|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Công suất lắp đặt điện mặt trời toàn cầu đạt mức kỷ lục

21:59 | 26/07/2019
Chia sẻ
Công suất lắp đặt điện mặt trời trên toàn cầu trong năm nay sẽ đạt kỷ lục mới nhờ thị trường điện mặt trời đang cải thiện ở châu Âu, Mỹ và tăng trưởng nhanh ở các nước như Ấn Độ, Việt Nam, theo một báo cáo của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Anh) công bố hôm 25-7.
Công suất lắp đặt điện mặt trời toàn cầu đạt mức kỷ lục - Ảnh 1.

Báo cáo của Wood Mackenzie cho biết đến năm 2022, có 19 thị trường trên thế giới lắp đặt mô-đun quang điện với công suất từ 1-5 GW (đường màu xanh lá cây). Ảnh: Wood Mackenzie

Báo cáo của Wood Mackenzie cho biết công suất lắp đặt các tấm mô-đun quang điện (PV) trên toàn cầu sẽ đạt 114,5 GW vào cuối năm nay, tăng 17,5% so với năm 2018 và lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 GW.

Theo báo cáo, năm ngoái công suất lắp đặt PV trên toàn cầu giảm nhẹ, chủ yếu là do đà tăng trưởng chậm lại ở thị trường điện mặt trời Trung Quốc sau khi nước này chấm dứt trợ giá cho giá bán điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp vào lưới điện (feed-in tariff) ở các dự án điện mặt trời mới.

“Thị trường giờ đây đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ. Suy giảm tăng trưởng công suất lắp đặt PV trong năm 2018 chỉ là tín hiệu nhiễm tạm thời và chúng tôi kỳ vọng công suất lắp đặt PV sẽ tăng lên mức 125 GW mỗi năm vào những năm đầu thập niên 2020”, các nhà phân tích của Wood Mackenzie cho biết.

Tăng trưởng công suất lắp đặt PV trong năm nay chủ yếu được thúc đẩy bởi các dự án ở châu Âu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam cũng như Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Những nước lắp đặt PV với công suất từ 1-5 GW mỗi năm sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường điện mặt trời toàn cầu. Báo cáo của Wood Mackenzie cho biết có 7 thị trường đạt mức công suất này vào năm ngoái nhưng đến năm 2022, con số này sẽ là 19 thị trường bao gồm Pháp, Saudi Arabia và Đài Loan.

Đà tăng trưởng công suất lắp đặt PV trên toàn cầu diễn ra dù thị trường điện mặt trời Trung Quốc đang trì trệ do Bắc Kinh ưu tiên phát triển các dự án sản xuất năng lượng tái tạo mà không cần đến trợ giá giữa lúc chi phí sản xuất điện mặt trời giảm mạnh.

Công suất lắp đặt PV của Trung Quốc đạt đỉnh 53 GW vào năm 2017 nhờ các khoản trợ giá hào phóng nhưng giờ đây được dự báo giảm về mức 30-40 GW mỗi năm. Tuy nhiên đến năm 2024, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ sẽ chiếm hơn 50% tổng công suất lắp đặt PV trên toàn cầu, theo báo cáo của Wood Mackenzie.

Công suất lắp đặt điện mặt trời toàn cầu đạt mức kỷ lục - Ảnh 2.

Một trang trại điện mặt trời ở TP. Allahabad, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích của Wood Mackenzie dự báo công suất lắp đặt PV của châu Á sẽ đạt đỉnh 71,1 GW vào năm 2020 sau đó giảm về mức 55-63 GW/năm trong bốn năm tiếp theo. Tại châu Âu, công suất lắp đặt PV sẽ chạm đỉnh ở mức 24GW vào năm 2021và 2022, trước khi giảm về mức 21 GW trong năm 2023 và 2024. Trái lại, các thị trường châu Phi, Mỹ Latin và Trung Quốc được dự báo chứng kiến đà tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2019-2024.

Trên toàn cầu, các cơ chế đấu giá điện mặt trời, chứ không phải các chính sách trợ giá, đang được áp dụng ngày càng phổ biến để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.

“Các cuộc đấu giá thực sự quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng công suất lắp đặt PV, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi”, Tom Heggarty, nhà phân tích năng lượng mặt trời ở công ty Wood Mackenzie, nói.

Trong năm nay, khoảng 90 GW từ các dự án điện mặt trời được ký kết triển khai thông qua đấu giá, tăng 10% so với năm 2018. Mức giá thấp kỷ lục cho giá điện mặt trời là 16,95 đô la/MWh, tức chưa đến 0,02 đô la (460 đồng)/KWh, được thiết lập trong một cuộc đấu giá ở Brazil hồi tháng 6 vừa qua. Kỷ lục giá đấu điện mặt trời thấp nhất trước đó là 18,93/MWh thuộc về một dự án ở Mexico do Công ty năng lượng tái tạo Neoen (Pháp) làm chủ đầu tư. Nhà phân tích năng lượng mặt trời Tom Heggarty dự báo kết quả đấu giá điện mặt trời đợt hai ở Saudi Arabia vào cuối năm nay cũng sẽ ở mức rất thấp.

Một nghiên cứu hồi đầu năm của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) dự báo vào năm 2020, giá điện gió trên bờ và điện mặt trời sẽ rẻ hơn bất kỳ loại điện được sản xuất từ nguồn năng lượng hóa thạch nào.

Lê Linh