|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguy cơ ‘hụt hơi’ của điện than trước điện mặt trời và điện khí

06:33 | 24/07/2019
Chia sẻ
Điện than đang gặp phải nhiều khó khăn trong bối cảnh điện mặt trời và điện khí bứt phá mạnh mẽ.

Triển vọng phát triển của lĩnh vực nhiệt điện than tại Việt Nam đang có nguy cơ “hụt hơi” so với điện mặt trời và điện khí, báo cáo cập nhật về lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam của Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) nhận định.

Mặc dù điện than đã trở thành nguồn cung cấp năng lượng có công suất lớn nhất tại Việt Nam từ năm 2018, lĩnh vực này trên thực tế đang gặp nhiều khó khăn có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển.

Trong khi đó, điện mặt trời và điện khí đang có sự bứt phá mạnh mẽ.

Năm 2018, nhiệt điện than đã vượt qua thuỷ điện để trở thành nguồn cung có công suất lớn nhất, chiếm 38,1% (18.516 MW) trong tổng công suất lắp đặt 48.563 MW của cả nước.

Nhu cầu về than cho phát điện đột ngột tăng mạnh trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã làm phát sinh những căng thẳng về nguồn cung, dẫn đến thiếu hụt nguồn than cung cấp cho một số nhà máy nhiệt điện ở phía Bắc trong một số thời điểm.

Theo quy hoạch, Việt Nam dự kiến sẽ phát triển hàng loạt các nhà máy điện than mới trên cả nước. Tỷ trọng công suất dự kiến tăng từ 37% năm 2017 lên 42,6% vào năm 2030, tương đương với 43 GW nhiệt điện than mới.

Tuy nhiên, việc phát triển loại hình nhiệt điện gây nhiều quan ngại với môi trường này tiếp tục gặp khó khăn do sự lo ngại từ một số địa phương đối với các đề xuất dự án mới.

Chính quyền hai tỉnh Bạc Liêu và Long An đã đề xuất Bộ Công thương và Chính phủ cho phép thay thế các dự án nhiệt điện than tại các địa phương này bằng các dự án sử dụng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo.

Những vấn đề phát sinh trong thực hiện các dự án đang triển khai như vốn hay năng lực nhà thầu đang khiến nhiều dự án nhiệt điện than trọng điểm như Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 chậm tiến độ kéo dài.

Trong khi đó, lĩnh vực điện mặt trời đã có bước phát triển nhảy vọt chỉ trong quý II năm nay nhờ vào chính sách của Chính phủ và những khoản tín dụng lớn dành cho năng lượng sạch của hàng loạt ngân hàng trong nước.

Nguy cơ ‘hụt hơi’ của điện than trước điện mặt trời và điện khí - Ảnh 1.

Sự bứt phá mạnh mẽ của điện mặt trời thời gian qua đã tạo nên "cơn sốt" chưa từng thấy.

Cho đến tháng 4/2019, cả nước mới có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW nhưng tính đến 30/6/2019, công suất điện mặt trời đã đạt 4.464 MW, chiếm 8,28% công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam.

Con số này vượt xa mục tiêu xây dựng 850 MW điện mặt trời vào năm 2020 mà Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã đặt ra.

Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sự phát triển được cho là quá nóng của các dự án điện mặt trời đang đặt ra vấn đề liên quan đến lĩnh vực truyền tải điện để giải toả công suất tại các khu vực có nhiều nhà máy hoạt động.

Trong thực tế, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã yêu cầu nhiều nhà máy điện mặt trời và điện gió tại khu vực miền Trung giảm công suất để tránh quá tải lưới điện tại một số thời điểm.

Đối với điện gió, Chính phủ đã quyết định tăng giá mua điện để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này. Đề xuất dự án lớn nhất trong lĩnh vực điện gió là dự án Thang Long Wind dự kiến xây dựng ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận, với tổng công suất lên tới 3.400 MW, đang được xúc tiến.

Lĩnh vực nhiệt điện khí, nhất là nhiệt điện sử dụng khí LNG, cũng đứng trước cơ hội phát triển bứt phá sau khi lĩnh vực nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn và kế hoạch phát triển điện hạt nhân bị ngừng.

Hàng loạt dự án kho cảng nhập khẩu và nhiệt điện khí đã được đề xuất xây dựng trên cả nước.

Cuối tháng 6/2019, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã ký hợp đồng xây dựng kho chứa LNG đầu tiên của cả nước tại Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và hợp đồng mua bán khí với các nhà máy nhiệt điện.

Kho LNG trên có công suất thiết kế 1 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2022 và nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2023.

PV Gas cùng Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã ký kết thoả thuận khung về việc cung cấp và tiêu thụ LNG cho các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Hai máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 của PV Power sẽ là chuỗi nhà máy điện đầu tiên sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu qua kho cảng LNG Thị Vải với tổng công suất dự kiến 1.500 MW.

Các Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ có tổng mức đầu tư lần lượt là 703,3 triệu USD và 704,9 triệu USD, dự kiến vận hành năm 2022 và năm 2023.

Kiều Mai