|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo để giảm áp lực thiếu điện

08:26 | 22/07/2019
Chia sẻ
Làm cách nào để đẩy nhanh tiến độ các dự án này, ngăn ngừa nguy cơ thiếu điện là những vấn đề đặt ra trong cuộc trao đổi của PV Báo SGGP với Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng.

Thiếu điện ngay từ năm 2020 và các năm tới đang là nguy cơ hiện hữu khi thời tiết - thủy văn không thuận lợi, nguồn than - khí thiếu, nhưng còn một phần là do các dự án cung ứng điện triển khai ì ạch so với Quy hoạch điện VII đề ra. 

Làm cách nào để đẩy nhanh tiến độ các dự án này, ngăn ngừa nguy cơ thiếu điện là những vấn đề đặt ra trong cuộc trao đổi của PV Báo SGGP với Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng.

 Thưa Thứ trưởng, thời gian gần đây liên tục có báo động về nguy cơ bị thiếu điện trong các năm tới. Tình hình cung ứng điện sẽ như thế nào?

Thứ trưởng HOÀNG QUỐC VƯỢNG: Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân là 10,3%/năm. 

Nhưng theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự báo sản lượng điện thương phẩm đến năm 2020 là 235 tỷ kWh, còn phương án cao là 245 tỷ kWh.

Theo tính toán, các năm 2019-2020, dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900MW và hệ thống vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điện cho cả nước nếu huy động thêm nguồn điện chạy dầu. 

Nhưng trong trường hợp các tổ máy phát điện không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện thì có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện ngay từ năm 2020.

Từ năm 2021 đến 2025, mặc dù phải huy động tối đa các nguồn chạy dầu nhưng do hệ thống không đáp ứng nhu cầu phụ tải nên dự báo xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam (với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022 và lên cao nhất là 12 tỷ kWh vào năm 2023). 

Nguyên nhân thiếu hụt nguồn điện tăng cao so với tính toán là do nhiều dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ, phải chuyển sang giai đoạn 2026-2030, trong đó hầu hết là các dự án nhiệt điện tại miền Nam.

Trong cuộc họp mới đây về đẩy nhanh các dự án điện, Bộ Công thương báo cáo có tới 47 dự án đang chậm tiến độ, dẫn tới nguy cơ thiếu điện là khó tránh khỏi. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện đưa vào vận hành. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện trong giai đoạn 2016-2020 trên toàn hệ thống là 21.650MW (EVN chiếm 33,2%; còn lại là do các doanh nghiệp khác đầu tư). 

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới đang triển khai 62 dự án có công suất lớn trên 200MW. Trong số này, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, 47 dự án bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao 8 dự án trọng điểm nguồn điện thì cả 8 đều gặp khó khăn, không thể hoàn thành theo tiến độ. Còn với Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, cả 4 dự án hiện nay đều chậm tiến độ 2 năm trở lên. 

Đối với 15 dự án BOT, hiện chỉ có 3 dự án đạt tiến độ (trong đó Vĩnh Tân 1 đã phát điện sớm trước tiến độ 6 tháng), còn 12 dự án chậm hoặc chưa thể xác định được tiến độ.

Trong 8 dự án đầu tư theo hình thức IPP, mới có 1 dự án đóng điện đúng tiến độ, các dự án còn lại đều bị chậm, thậm chí không thể xác định thời gian hoàn thành (như nhiệt điện Đồng Phát - Hải Hà, Quỳnh Lập 2). 

Các dự án nhiệt điện Thái Bình II, Long Phú 1, Sông Hậu 1… đến nay đã chậm 2 năm. Các dự án BOT đã ký hợp đồng thì ít rủi ro về chậm tiến độ, nhưng các dự án đang trong quá trình đàm phán như Sơn Mỹ 1, Sông Hậu 2, Long Phú 2, Nam Định 1, Quảng Trị 1… thì còn tiềm ẩn rủi ro lớn về tiến độ.

Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng hàng loạt dự án lớn chậm tiến độ, thưa Thứ trưởng?

Có nhiều nguyên nhân, vướng mắc như thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị… Hầu hết dự án điện gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Nhiệt điện Long An 1 và 2 không phê duyệt được quy hoạch địa điểm do tỉnh không thống nhất chủ trương xây dựng nhiệt điện than.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc thu xếp vốn của các tập đoàn và chủ đầu tư trong nước rất khó khăn do Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn. Các nguồn vốn vay ODA để đầu tư các dự án điện rất hạn chế.

Còn thu xếp các nguồn vốn vay trong nước rất khó khăn vì hiện tại các ngân hàng đã vượt hạn mức tín dụng với chủ đầu tư. Thủ tục đầu tư xây dựng còn chồng chéo, thiếu thống nhất cũng là rào cản. Quá trình đàm phán hợp đồng BOT và cấp phép đầu tư kéo dài vì liên quan nhiều bộ, ngành rất phức tạp. 

Các dự án BOT như Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3, Long Phú 2, Sông Hậu 2… hiện đang gặp khó khăn về thời gian xem xét, cho ý kiến của các cơ quan quản lý, trong khi riêng Bộ Công thương không thể chủ động trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng.

Về phía chủ đầu tư, năng lực tài chính, kỹ thuật, nguồn lực nhân sự không đảm bảo. Thậm chí một số nhà đầu tư còn chưa có kinh nghiệm trong đầu tư vận hành nhà máy điện, một số nhà đầu tư hiện hữu có khả năng phải tìm cách chuyển nhượng một phần vốn cho các nhà đầu tư khác, mất nhiều thời gian, rủi ro, chậm trễ.

Vậy giải pháp hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang bị chậm như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Để đảm bảo cung ứng điện, phải đẩy nhanh việc khai thác thêm các mỏ nhỏ ở khu vực Tây Nam bộ để bổ sung nhiên liệu cho cụm nhiệt điện Cà Mau trong các năm 2019-2021 khi khí lô B chưa vận hành. 

Lựa chọn phương án nhập khẩu khí LNG tại khu vực Tây Nam bộ khi triển khai xây dựng nhiệt điện khí Kiên Giang. Bổ sung một số nhà máy điện sử dụng khí LNG đang được UBND các tỉnh và nhà đầu tư đề xuất, như Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cà Ná (Ninh Thuận) để thay thế các nguồn điện chậm tiến độ hoặc nhà máy nhiệt điện than có nguy cơ không thực hiện được. 

Áp dụng cơ chế bao tiêu điện, bao tiêu khí để đẩy tiến độ vận hành vào năm 2022-2023 với các nhà máy sử dụng khí LNG Nhơn Trạch III, IV và cảng Thị Vải. Trường hợp nhập khẩu LNG bị chậm, sẽ xem xét sử dụng cảng LNG khu vực Cái Mép (khoảng 2 triệu tấn/năm, đang xây dựng) để cấp bù khí Đông Nam bộ. Đảm bảo tiến độ đưa khí lô B vào bờ để cung cấp ổn định cho các nhà máy nhiệt điện khí Ô Môn III, IV vận hành từ năm 2023.

Tuy nhiên, giải pháp có tính bền vững vẫn là tăng cường tiết kiệm điện, triển khai chương trình kiểm toán năng lượng, nhất là các tỉnh phía Nam. Các địa phương phải chỉ đạo tăng cường thực hiện tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng. 

Theo tôi, cần khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, nhất là khu vực phía Nam để giảm áp lực nguồn cung. Phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời đang trình duyệt để các chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ. Có cơ chế mới hỗ trợ phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối).

Cho phép bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện để giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đang gặp vướng mắc. Cần lựa chọn các nhà đầu tư, tổng thầu đủ năng lực, nếu không đáp ứng thì kiên quyết thu hồi dự án, thay thế chủ thầu đủ năng lực. Về dài hạn, cần xây dựng cơ chế giá điện hợp lý, đủ sức thu hút các nhà đầu tư phát triển nguồn điện, nhất là các nhà đầu tư trong nước.

 Cảm ơn Thứ trưởng!

Phúc Hậu

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.