|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ dự án điện mặt trời

20:18 | 04/07/2019
Chia sẻ
Đầu tư dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng trong khi việc phát triển lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư các dự án điện mặt trời.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 4/7, sau khi có các cơ chế về giá ưu đãi đối với điện mặt trời, điện gió, thời gian qua, các dự án điện mặt trời và điện gió đã được đầu tư nhiều, đặc biệt tại các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa...

Lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ dự án điện mặt trời - Ảnh 1.

Thi công Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: EVNCPC

Điều này gây nên sự quá tải lên đường dây truyền tải; nhiều trường hợp không thể giải tỏa hết công suất các dự án. Do vậy, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải có các phương án để nâng cao năng lực giải tỏa các dự án năng lượng tái tạo này.

Ông Bùi Quốc Hùng - Phó cụ trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho hay, đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500kV phải mất 3 năm, đường dây 220kV mất 2 năm. Trong khi đó, để đầu tư dự án điện mặt trời với công suất 50-100MW chỉ mất khoảng 6 tháng. Do vậy, việc phát triển lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư các dự án điện mặt trời.

Để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, mà chủ yếu là điện mặt trời trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đã có tờ trình Chính phủ bổ sung quy hoạch tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh, xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, các trạm 500kV, đường dây 500kV, mạch kép và các đường dây 220kV, các nhánh rẽ...

Dự kiến sẽ có thêm nhiều công trình được đầu tư vào cuối 2019 và đầu năm 2020. Với các dự án này, hi vọng có thể cơ bản đáp ứng công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió trong những năm tới.

Tuy nhiên, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, việc đầu tư triển khai xây dựng các đường dây này còn gặp nhiều khó khăn, như: vốn đầu tư, thời gian thi công, đền bù giải phóng mặt bằng...

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khẩn trương thực hiện tiến độ các dự án đường dây đi vào vận hành; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế xã hội hóa, tư nhân với đầu tư đường dây truyền tải, để đáp ứng tiến độ, giảm áp lực đầu tư, đáp ứng các dự án điện mặt trời, điện gió đi vào vận hành”, ông Bùi Quốc Hùng cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, về vấn đề điện, trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng phụ tải rất lớn, tới 10,3%, có thời điểm huy động tới 38.000MW trong cả nước.

Hiện nay, có những sự cố tại các nhà máy điện than, điện khí như rơi vào thời kỳ phải bảo dưỡng hoặc thiếu than..., điều này tác động đến sản lượng, phải bù bằng điện chạy dầu, gây lãng phí, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Từ nay đến cuối năm, có điều kiện để trông chờ vào 5.000 MW mới của điện mặt trời, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, các địa phương cũng phản ánh, ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận... đang vướng hệ thống hạ tầng để đảm bảo công suất. Bởi vậy, hiện nhiều dự án chỉ giải tỏa công suất được 30-40%.

Để đảm bảo đáp ứng điện cũng như hiệu quả của nhà đầu tư, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã lập đoàn thị sát tại các địa phương để sớm có phương án giải quyết nhằm năng lực và sản lượng.

Lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ dự án điện mặt trời - Ảnh 2.

Đường dây 500kV Vĩnh Tân - Rẽ Sông Mây - Tân Uyên đang được Ban Quản lý Các công trình điện miền Nam thực hiện đúng tiến độ. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Quan điểm là, EVN phải thực hiện nghiêm theo đúng lộ trình về các giải pháp, kế hoạch đầu tư lưới, trạm để đảm bảo công suất tại khu vực này; phối hợp cùng địa phương để đảm bảo tiến độ chung các dự án, đặc biệt là tiến độ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện dự án; có kế hoạch cụ thể để hài hòa công suất và đưa điện lên lưới.

Liên quan tới việc nhiều dự án điện năng lượng tái tạo ồ ạt đầu tư, nhưng chưa được bổ sung vào quy hoạch, phía Bộ Công Thương cho biết, mới đây Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định hướng dẫn quy hoạch, nhưng chỉ áp dụng cho các quy hoạch mới, quy hoạch vùng... Còn quy hoạch tích hợp phát triển điện lực thì chưa có quy định.

Vấn đề này, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội và đang chờ ý kiến Quốc hội nên còn vướng trong điều chỉnh bổ sung cho các dự án điện này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề xuất, có cơ chế đặc thù, nhất là liên quan đến Luật Quy hoạch mới để đưa nhanh các dự án mới vào thực hiện, vừa đảm bảo công suất, tăng thêm công suất đảm bảo nhu cầu cân đối điện.

Cùng đó là các giải pháp tuyên truyền về tiết kiệm điện, nhập khẩu điện từ các nguồn khác... đều là những phương án được tính đến. Mục tiêu là cân đối đủ điện đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

Chỉ đạo tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trình Đình Dũng cho hay, Thời gian tới, Bộ Công Thương cần đẩy nhanh làm Quy hoạch điện 8.

Đây là quy hoạch lớn, yêu cầu lần này phải đổi mới, lập trên cơ sở mục tiêu, công suất bao nhiêu, cơ cấu nguồn điện bao nhiêu và bố trí các nguồn như thế nào, trên cơ sở đó thì bố trí dự án theo luật đầu tư để làm, không như trước đây lập theo dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cùng các chủ đầu tư điện, đặc biệt EVN đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, làm sao đảm bảo than cho điện, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ các dự án điện...

Đức Dũng

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.