|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chế biến thịt và tôm giả bằng men vi sinh, công ty khởi nghiệp thu cả nghìn USD mỗi tháng

09:00 | 19/06/2021
Chia sẻ
Vào tháng 7/2020, New Singularity đã thành công với sản phẩm thịt “giả” làm từ rong biển. Công ty sẽ chính thức ra mắt thịt tôm lên men vi sinh vào cuối năm nay.
Công ty Trung Quốc khởi nghiệp bằng thịt “giả” làm từ men vi sinh - Ảnh 1.

Sản phẩm thịt "giả" của New Singularity. (Ảnh: New Singularity).

Theo Nikkei Asia, New Singularity (Trung Quốc) là một công ty khởi nghiệp phát triển thủy sản lên men vi sinh. Gần đây, công ty này đã kêu gọi thành công khoản tiền lên đến vài trăm nghìn USD, trong vòng tài trợ hạt giống được chủ trì bởi Lever VC, quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại New York (Mỹ). Số tiền này sẽ được sử dụng vào mục đích nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Thành lập vào năm 2020, công ty đã phát triển thành công thịt tôm lên men vi sinh và mycoprotein (protein đơn bào hay còn được gọi là protein nấm). New Singularity sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện sản phẩm của mình để chuẩn bị cho đợt ra mắt thị trường vào quý 3 năm nay.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, đến 90% trữ lượng cá biển thế giới bị khai thác quá mức và số lượng loài sinh vật biển giảm trung bình 36%.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành New Singularity, Gao Li cho biết, những sản phẩm giả thịt của công ty cô được làm từ protein lên men với các chủng vi sinh vật họ nấm. Đây là loại protein có trong thịt, sữa chua, các loại nước uống và có thể được dùng để thay thế cho các sản phẩm làm từ sữa.

Bên cạnh đó, công ty còn nghiên cứu thành công protein làm từ tảo vi sinh có hương vị như hải sản và kết cấu tương tự thịt. Những chủng này có thể tái sử dụng và cung cấp lượng protein vi khuẩn nhiều hơn gấp 14.000 lần so với các chủng ban đầu. Tuy nhiên, theo Gao, chi phí sản xuất cao và bài toàn về cân bằng dinh dưỡng luôn là những vấn đề cần được giải quyết.

New Singularity đã ra mắt các sản phẩm đầu tiên vào tháng 7 và tháng 8 năm ngoái. Những món ăn làm từ rong biển này đã giúp doanh thu hằng tháng của công ty cán mốc 12.000 NDT (tương đương 1.850 USD). Trong đó, nổi bật là sản phẩm thịt tôm làm từ rong biển với kết cấu giòn nhưng ít chất xơ.

Phòng phát triển của New Singularity đã sàng lọc thành công các chủng mục tiêu. Hiện tại, công ty đã và đang phát triển loại sản phẩm không chứa cholesterol, kháng sinh và hormone tăng trưởng. Đồng thời, việc tái cấu trúc và giá trị dinh dưỡng của protein động vật sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm.

Nhóm nghiên cứu cho biết quá trình sản xuất loại protein này chỉ cần đến một tỷ lệ nhỏ diện tích đất, nguồn nước và lượng khí thải nhà kính so với việc chăn nuôi thông thường. Không những thế, sản lượng protein thu được trên một đơn vị diện tích cao gấp 3,6 lần so với protein động vật và 1,8 lần so với protein thực vật.

Theo Gao, trong trung và dài hạn, việc tối ưu chi phí chính là chìa khoá quyết định sự thành công của sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty cần nhắc kỹ lưỡng về giá trị dinh dưỡng của loại protein này. Ngoài ra, thị trường thế giới đã có rất nhiều thương hiệu thịt thay thế khác như Hey Maet, Meatless Farm, Starfield và Future Meat Technologies.

“Thịt làm từ men vi sinh là một sản phẩm khá mới mẻ đối với thị trường Trung Quốc. Vì vậy, quá trình nghiên cứu sản phẩm sẽ rất tốn kém, đặc biệt đối với ngành công nghiệp định hướng công nghệ này”, cô chia sẻ.

New Singularity sở hữu đội ngũ phát triển bao gồm những chuyên gia về vi sinh vật tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Giang Nam (Trung Quốc) và các doanh nhân có kinh nghiệm lâu năm trong ngành thực phẩm. Đồng thời, họ đều xuất thân từ một tổ chức bảo tồn môi trường biển của Trung Quốc có tên là Friends of Green China Tianjin.

Quỳnh Hoa