Chân dung Gcalls, công ty đầu tiên nhận 1 triệu USD trong Shark Tank Việt Nam
Shark Tank Việt Nam có thương vụ 1 triệu USD đầu tiên |
Trong tập 7 show truyền hình thực tế “Thương vụ Bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam”, công ty Gcalls đã kêu gọi thành công 23 tỷ đồng, trở thành thương vụ lớn nhất từ trước đến nay kể từ chương trình lên sóng tại Việt Nam.
Phần thuyết trình không quá thuyết phục của nhóm Gcalls khiến 4/5 nhà đầu tư trong chương trình quyết định không đầu tư vì họ băn khoăn về cách sử dụng tiền, không có kế hoạch đầu tư, bức tranh tài chính không rõ ràng và không hiểu mô hình kinh doanh.
Tuy nhiên, bà Thái Vân Linh đã quyết định đầu tư hơn 1 triệu USD cho 45% vốn cổ phần mà không suy nghĩ lâu. Vậy Gcalls đang có gì, tiềm năng của ứng dụng này ra sao?
Gcalls là công ty gọi vốn thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại của Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam |
Ứng dụng tối ưu hóa tổng tài của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ra đời năm 2015, Gcalls ra đời nhằm giúp các doanh nghiệp sở hữu giải pháp gọi điện một cách nhanh chóng mà không cần phải tốn thêm chi phí mua thiết bị nghe-gọi.
Gcalls cung cấp hạ tầng và ứng dụng trên điện thoại di động và website với nhiệm vụ quản lý trung tâm chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp.
Sản phẩm chủ lực hiện tại của ứng dụng softphone trên nền di động được tích hợp với các nhà cung cấp dịch vụ số tổng đài, CRM, Helpdesk. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lựa chọn nhà cung cấp để tạo một trung tâm giao tiếp với khách hàng ở bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện tại công ty tập trung vào việc phát triển các sản phẩm mới như viễn thông, dịch vụ số, nội dung số và ứng dụng số.
Sự linh động
Sản phẩm của Gcalls có thể vận hành trên nhiều nền tảng đa dạng - từ hệ điều hành di động (iOS, Android) đến thiết bị sử dụng (Smartphone, Laptop, PC).
Đây là một ví dụ đơn giản nhất cho một ngày làm việc của nhân viên chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp sử dụng ứng dụng Gcalls. Khởi đầu ngày mới, mở Gcalls Web App, rà soát lại to-do-list của mình với Tính năng “Nhắc nhở” khách phải gọi lại vào 9h30 sáng nay. Phần thông tin của từng khách hàng, lịch sử tương tác với những “Ghi chú”: Anh A quan tâm nhiều về giá cả này, còn chị B thì hơi phân vân vì thông tin còn mơ hồ, anh C tiềm năng nhất gọi điện lại để trình bày thủ tục hợp đồng và thanh toán là xong. Tiếp tục nghe lại cuộc ghi âm để chuẩn bị cho cuộc nói chuyện tiếp theo. 10h gọi điện xong, vừa dành thời gian soạn một số tài liệu, vừa trực tổng đài Gcalls ngay trên laptop. Buổi chiều 2h, gặp khách hàng, vẫn mang Gcalls theo nhờ phiên bản di động để không bị nhỡ cuộc gọi của khách hàng. Cuối ngày về công ty vào phòng họp với sếp và đồng nghiệp, nhưng vẫn luôn trong trạng thái trực tổng đài vì đã có Gcalls Softphone. |
Tính tương tác
Không chỉ giao tiếp với khách hàng, nhân viên còn có nhu cầu giao tiếp với những người đồng nghiệp. Gcalls tạo ra cả 2 khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm cho từng nhân viên của doanh nghiệp. Với Gcalls, mỗi người dùng có thể quay số nội bộ để gọi miễn phí cho nhau khi cần thiết.
Khả năng lưu trữ và chia sẻ
Những phiên bản của Gcalls Softphone trang bị những tính năng liên quan đến việc lưu trữ và chia sẻ, cụ thể như lưu trữ danh bạ, lưu trữ lịch sử cuộc gọi, tự động ghi âm và lưu trữ cuộc gọi.
Tính năng lưu trữ, chia sẻ, nhắc nhở... của Gcalls |
Gcalls cung cấp lịch sử cuộc gọi |
Ngoài ra, nhân viên dùng Gcalls có thể tìm lại những đoạn file ghi âm ngay trên app và chia sẻ lên những nền tảng khác như email, messenger, Google Drive...
Tham vọng với thị trường Đông Nam Á
Với cơ cấu cổ đông hiện tại, bà Thái Vân Linh trở thành cổ đông lớn nhất với 45% vốn cổ phần, bộ đôi sáng lập Phúc và Bằng nắm 25% vốn và nhóm các cổ đông còn lại nắm 30%. Một trong những cổ đông tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Úc, tập đoàn Telstra. Trước đó Telstra chỉ rót vào Gcalls 40.000 USD.
Với số tiền 23 tỷ đồng từ bà Lịnh, Phúc cho biết, Gcalls đang có kế hoạch xâm nhập khu vực Đông Nam Á trong vòng 2 năm tới. Họ sẽ dành 70% vốn cho tích hợp nền tảng tại các địa phương, 30% vốn cho bán hàng và marketing.
Kế hoạch rút lui ban đầu của nhóm là IPO sau 7 năm, mục tiêu đạt 4 tỷ USD, nếu không thành công có thể là bán lại cho các công ty viễn thông.
Bà Thái Vân Linh nhận định hiện tại thị trường châu Á đang nằm trong tầm ngắm của các tập đoàn phương Tây và đây sẽ là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 30 năm tới. Chiến lược của bà Linh là chiếm lĩnh thị trường châu Á trước để khi các ông lớn vào họ sẽ buộc phải lựa chọn giữa tự phát triển hay là mua lại. Bà cho rằng đây sẽ là phương án tối ưu thay vì IPO.
Vai trò của bà Linh khi trở thành cổ đông lớn nhất của Gcalls là cải thiện tình hình tài chính cũng như khả năng tiếp thị, tìm người có đủ khả năng để đảm nhận nhiệm vụ.
Nhiều lần khởi nghiệp thất bại, với Gcalls liệu Phúc sẽ bay cao?
Từ lúc còn là sinh viên năm thứ hai, Phạm Tấn Phúc (sáng lập viên Gcalls) đã có nhiều giải thưởng về lập trình và tham gia làm phần mềm hệ thống cho Chính phủ và Bộ Công an.
Phạm Tấn Phúc - CEO Gcalls |
Tháng 12/2010, anh cùng những người bạn tung ra sản phẩm đầu tiên “Click now” - một bản đồ doanh nghiệp với ý tưởng liên kết giữa thế giới thực và thế giới ảo trong game. "Click now" cho phép khách hàng định vị các vị trí trong game và thiết kế các nhiệm vụ.
Nếu người chơi nhận nhiệm vụ, họ có thể đến cửa hàng của doanh nghiệp dùng thử món hàng nào đó với giá khuyến mãi, khi hoàn thành sẽ được nhận các phần thưởng tương xứng. Cầm cự chỉ được 6 tháng, “Click now” đã chết… cùng với một số tiền học phí của anh và đồng đội.
Không bỏ cuộc, Phúc tiếp tục với dự án tiếp theo HRKey, bắt đầu vào những ngày mùa thu của năm 2011. Dự án ra đời với mục đích giảm thiểu thời gian tuyển dụng cho doanh nghiệp cũng như tăng tỷ lệ đơn xin việc chất lượng. Sau 8 tháng ngắn ngủi, HRKey cũng ngừng hoạt động.
Trong năm 2013, dự án đầu tiên của Phúc nhận được đầu tư lớn từ ngân hàng thế giới (WB) mang tên "Bản đồ chống hàng giả" sau khi đoạt giải nhất Cuộc thi Lập trình ứng dụng quốc tế. Tuy nhiên dự án nhanh chóng bị "đóng băng" vì kinh phí đầu tư "mồi" từ WB không đủ sức chạy đường dài cho một ứng dụng quy mô quốc gia.
Với những bài học kinh nghiệm từ những lần thất bại ngày một dày đặc, đầu năm 2014, Phúc cùng người bạn đồng hành nhận thấy lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam rất tiềm năng nhưng đang giống bom nổ chậm.
Nhiều người tham gia thương mại điện tử nhưng thị trường thiếu độ "bật" vì hệ sinh thái phụ trợ (vận tải giao hàng, thanh toán trực tuyến v.v...) còn yếu. Lỗ hổng trong chăm sóc khách hàng với hệ thống giao tiếp chuyên biệt vẫn tồn tại. Lúc ấy, anh đã quyết định theo đuổi một giải pháp giải quyết tình trạng này. Giấc mơ mang tên “Gcalls” hình thành từ đó.
Với sự hỗ trợ của Thái Vân Linh, liệu chàng trai 9x và các đồng đội sẽ thành công trong việc chinh phục ước mơ châu Á. Chỉ thời gian mới có thể đưa ra đáp án cho câu hỏi đó.