|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Vinamit giải thích quyết định chi bộn tiền cho 2 dự án lớn trong lúc thiên hạ thắt lưng buộc bụng vì COVID-19

13:19 | 23/10/2020
Chia sẻ
Với phương châm "hành động khi đám đông sợ hãi", Tổng giám đốc Vinamit chi tiền xây một khách sạn lớn và mua trang trại hàng trăm hecta khi phần lớn giới doanh nghiệp thắt chặt hầu bao vì đại dịch.

Ngay khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra, Tổng giám đốc Vinamit, ông Nguyễn Lâm Viên, biết nó sẽ trở thành khủng hoảng. Với kinh nghiệm thương trường dày dặn, ông dự đoán nó sẽ kéo dài 3-5 năm, chứ không chỉ vài tháng. 

"Vì thế, tôi cùng các cộng sự lập kế hoạch chuẩn bị cho 3 năm và 5 năm", ông nói trong một buổi tọa đàm với Vnexpress hôm 22/10.

Vinamit tiết kiệm tối đa nhưng vẫn đầu tư mạnh vào 2 dự án

Đầu tiên, ông yêu cầu các phòng, ban thay đổi chính sách tài chính để chi theo biến phí, chứ không theo định phí như trước đây, nghĩa là mức chi tiêu sẽ phụ thuộc vào mức doanh thu. 

"Sự thay đổi ấy là áp lực đối với mọi người, song cũng là động lực để họ nỗ lực hơn trong việc tăng hiệu quả kinh doanh", ông bình luận.

Vì đã có định hướng lâu dài, nên trong lúc mọi người có tâm thế "thắt lưng buộc bụng" để phòng bất trắc, Vinamit quyết định đầu tư rất nhiều tiền cho hai dự án lớn, bao gồm việc mua một trang trại có diện tích vài trăm hecta và xây một khách sạn hơn chục tầng.

"Nếu bây giờ tôi không thực hiện những dự án đầu tư lớn, tôi sẽ chẳng có chuyện gì để nói sau 3-5 năm nữa. Khi phần lớn mọi người không dám hành động, cơ hội sẽ xuất hiện. Tôi biết rõ lộ trình của bản thân nên tôi tự tin đầu tư", ông Viên nói.

CEO Vinamit: '3 thiên thần sẽ giúp doanh nhân trong hoạn nạn' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc tập đoàn Vinamit. (Ảnh chụp màn hình)

Người điều hành Vinamit lấy ví dụ về trào lưu mua vàng, chứng khoán hiện nay. Theo ông, khi chúng ta hùa theo đám đông để mua vàng, chứng khoán, rất có thể chúng ta đang mua những thứ mà người khác bán ra, và đối mặt nguy cơ lỗ nặng. Người thức thời phải mua vàng và chứng khoán trong giai đoạn đa số đám đông vẫn chưa hành động.

Đại dịch COVID-19 khiến Vinamit hứng chịu tổn thất lớn nhất từ năm 1991 tới nay. Ông Viên tiết lộ doanh số của tập đoàn giảm gần 30%, cả thị trường xuất khẩu ra nước ngoài và thị trường xuất khẩu tại chỗ trong nước đều tê liệt, mảng khách sạn cũng đóng băng vì khách nước ngoài không vào Việt Nam.

"Song khi ngành hàng không, du lịch, khách sạn hoạt động trở lại trên phạm vi toàn cầu, thực phẩm sẽ là một trong những ngành phục hồi nhanh nhất. Vinamit đã sẵn sàng chờ đón cơ hội đó", ông Viên thể hiện sự lạc quan.

Với phương châm "biến nguy thành cơ", Vinamit tranh thủ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nội bộ để tận dụng khoảng thời gian mà lực lượng lao động không phải làm nhiều việc. Nhờ những buổi đào tạo, nhân viên học thêm nhiều kĩ năng, kiến thức và cả tầm nhìn của ban lãnh đạo.

"Tôi cảm thấy các anh, chị, em trong công ty hoạt động sôi nổi hơn trước đây vì đã hiểu tầm nhìn của tập đoàn. Do đó, tôi tin rằng, trong tương lai, chúng tôi sẽ lãi lớn hơn vì đã tạo ra nền tảng vững chắc hơn trong khủng hoảng", ông Viên nhấn mạnh.

"Đời doanh nhân không bao giờ bằng phẳng"

Cuộc đời một doanh nhân, theo quan điểm của CEO Vinamit, là đồ thị hình sin chứ không bao giờ là một đường thẳng. Mọi doanh nhân đều phải hiểu rõ qui luật đó ngay từ đầu.

"Doanh nhân phải rất bình thản khi ở đỉnh cao, nhưng phải rất bình tĩnh khi ở đáy. Nếu trong lúc rơi xuống đáy, doanh nhân vẫn có bám víu vì tình cảm, tiền bạc hoặc sĩ diện, họ sẽ không còn sức để leo lên khi rơi xuống vực", ông nói.

Tổng giám đốc Vinamit nói mỗi doanh nhân sẽ gặp ít nhất 3 biến cố lớn trong sự nghiệp kinh doanh. Ông nói rằng, khi "tuột dốc", doanh nhân nên thừa nhận thất bại, và để mọi thứ rơi tự do, vì đến khi chạm đáy, doanh nhân sẽ còn sức lực và ý chí để leo lên. 

Vì thế, nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi doanh nhân, theo ông, là luôn giữ sức khỏe để chuẩn bị cho những lần "leo núi" bất ngờ. Điều quan trọng nhất là họ phải duy trì ý chí, sự kiên cường, bền bỉ để quay trở lại đỉnh cao.

"Đó mới là những giá trị thực sự của một doanh nhân", ông khẳng định.

Đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng số phận lại đưa đẩy Nguyễn Lâm Viên sang ngành nông nghiệp. Lăn lộn với ngành hơn 30 năm, ông mơ ước trở lại với âm nhạc vào những năm cuối đời.

"Dành khoảng thời gian cuối đời cho bản thân, cho đam mê âm nhạc là hành động thuận theo tự nhiên, theo quan điểm của tôi", Tổng giám đốc Vinamit thổ lộ.

Nhạc Phong

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.