|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện doanh nghiệp mua vàng để tận dụng cơn sốt giá và ứng vốn cho đối tác để chống đỡ khủng hoảng

08:15 | 05/10/2020
Chia sẻ
Khi giá vàng có xu hướng tăng cách đây 10 năm, một tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng quyết định rút toàn bộ tiền gửi ngân hàng để mua vàng. Hiện tại, tập đoàn sẵn sàng ứng vốn để các đối tác có thể triển khai dự án xây dựng.

Giá vàng liên tục tăng từ đầu năm tới nay, đặc biệt từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới khiến viễn cảnh kinh tế toàn cầu trở nên khó lường. Trong bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp đã tính tới khả năng sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư vàng.

Năm 2010, lãi suất ngân hàng dài hạn có xu hướng tăng lên 13-15%. Khi đó tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng AMACCAO đang gửi một số tiền thu hồi khấu hao để dành cho các kế hoạch đầu tư trong tương lai. 

"Dù thời điểm giải ngân cho các kế hoạch đầu tư chưa tới, chúng tôi quyết định nhanh chóng mua vàng bằng toàn bộ số tiền đó. Hồi ấy, Ngân hàng Techcombank lại có chương trình huy động vốn bằng vàng", tiến sĩ Tô Nhật, Phó chủ tịch Tập đoàn AMACCAO, kể.


Chuyện doanh nghiệp mua vàng để tận dụng cơn sốt giá và ứng vốn cho đối tác để chống đỡ khủng hoảng - Ảnh 1.

Vật liệu của AMACCAO trong một công trình xây dựng. (Ảnh: AMACCAO)

Ông Nhật tiết lộ rằng tập đoàn mua vàng với giá 26,5-27 triệu đồng mỗi cây. Tập đoàn gửi vàng trong ngân hàng khoảng một năm trước khi rút ra để mua máy móc, thiết bị. Khi đó, giá vàng đã lên tới 38,5 triệu đồng/cây, trong khi lãi suất ngân hàng liên tục tăng tới 18-19%. Thậm chí một số ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất lên tới hơn 20%, khiến tiền mất giá mạnh.

"Vì thế, khi chưa thể giải ngân để đầu tư máy móc, thiết bị, tập đoàn không thể để tiền nằm trong ngân hàng và nhìn nó mất giá trị. Chúng tôi đã chuyển tiền thành vàng và chiến thuật đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt", vị Phó chủ tịch nhấn mạnh.

Sau đó, vào năm 2012, cơn bão khủng hoảng đạt đỉnh khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản giảm đầu tư. Nhiều doanh nghiệp xây lắp cũng giảm mức hoạt động, ảnh hưởng tiêu cực tới những nhà sản xuất vật liệu xây dựng như AMACCAO. 

"Hoạt động sản xuất giảm mạnh khiến nhiều nhân sự của tập đoàn trở nên dư thừa. Nếu chúng tôi cứ để hàng trăm con người làm việc ít mà vẫn hưởng lương, chắc chắn chúng tôi sẽ phá sản", ông Nhật thổ lộ.

Chuyện doanh nghiệp mua vàng để tận dụng cơn sốt giá và ứng vốn cho đối tác để chống đỡ khủng hoảng - Ảnh 2.

Ông Tô Nhật (người thứ hai từ trái sang), làm việc tại một nhà máy của AMACCAO. (Ảnh: NVCC)

Trước tình thế đó, Chủ tịch tập đoàn kêu gọi mọi người "thắt lưng buộc bụng" bằng cách xung phong nghỉ 2-3 ngày mỗi tuần không lương. Thậm chí tập đoàn hoan nghênh những người sẵn sàng nghỉ một thời gian để giải quyết việc cá nhân rồi trở lại làm việc khi khủng hoảng lắng xuống.

"Mọi nhân sự, từ nhân viên tới các cấp quản lí, đều hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch tập đoàn để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn", ông Nhật nói. Nhờ sự hưởng ứng của mọi nhân sự mà AMACCAO đã vượt qua thời kì khó khăn để tiếp tục kinh doanh đến ngày nay.

Đối với các đối tác đang gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19, tập đoàn thực hiện chủ trương ứng vốn cho chủ đầu tư để họ có thể triển khai các dự án, kích cầu tiêu dùng. 

"Đây cũng là động thái để hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về việc doanh nghiệp Việt chung tay vượt qua các thời khắc khó khăn, để cùng phát triển", ông Nhật nói. Vị Phó chủ tịch nói thêm rằng, đây là giải pháp mà các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Hyundai, Samsung, Sumitomo thực hiện. 

Nhạc Phong