|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Mỹ đua nhau lập công ty trong khủng hoảng COVID-19

23:40 | 12/10/2020
Chia sẻ
Trong giai đoạn bất ổn cao độ, số lượng người mở doanh nghiệp tăng vọt - một dấu hiệu tích cực đối với quá trình phục hồi kinh tế.

Số liệu của Cục Thống kê Mỹ cho thấy số đơn xin thành lập doanh nghiệp mới tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỉ. Trong tuần kết thúc vào ngày 3/10, số đơn tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, theo CNN.

Joseph Brusuelas - trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại RSM US, nhận định sự gia tăng này là xu hướng rất đáng khích lệ. Sau một cuộc suy thoái sâu, người ta sẽ lạc quan hơn khi chứng kiến những người lao động mất việc tìm cách tận dụng điều kiện kinh doanh thuận lợi (như lãi suất thấp) và khởi nghiệp.

"Đây là một trong những chất xúc tác cơ bản cho sự hồi phục của kinh tế xuyên suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ", Brusuelas nói.

Người Mỹ đua nhau lập công ty trong khủng hoảng COVID-19 - Ảnh 1.

Phong trào làm việc từ xa ở Mỹ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, đem lại sự linh hoạt cho các chủ doanh nghiệp tương lai. Ảnh: INC

Ngay cả sau khủng hoảng tài chính 2008, số đơn xin thành lập doanh nghiệp mới cũng không tăng rõ rệt như hiện nay. 

Brusuelas nói rằng đó là tín hiệu cho thấy đà phục hồi không như kế hoạch, do mọi người chịu thiệt hại từ mất nhà cửa, mất xe, và thị trường chứng khoán lao dốc.

Thực tế là COVID-19 ảnh hưởng đến người thuê nhiều hơn là người mua nhà. Đây cũng là một rắc rối. Nhưng vì nhiều người Mỹ vẫn còn khả năng giữ tài sản chủ chốt, nên họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro tài chính hơn.

"Một trong những sai lầm chúng ta mắc phải trong cuộc khủng hoảng trước là không tạo điều kiện cho mọi người lập công ty", Brusuelas nói.

Bên cạnh đó, phong trào làm việc từ xa cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, đem lại sự linh hoạt cho các chủ doanh nghiệp tương lai. Chi phí vay vốn đang ở mức rất thấp.

Một báo cáo gần đây của Goldman Sachs nhận định mức tăng có thể một phần do lượng đơn tồn lại trong thời kỳ phong tỏa. Dù vậy, "số liệu cũng cho thấy triển vọng tích cực hơn so với cuộc khủng hoảng trước", nhà băng này nhận xét.

Câu hỏi lớn hiện tại là liệu số doanh nghiệp mới tăng lên sẽ tạo thêm việc làm hay không, trong bối cảnh đà phục hồi trên thị trường lao động đang chững lại. Mỹ hiện vẫn mất 10,7 triệu việc làm so với tháng 2.

 Dựa trên phân tích, Goldman Sachs ước tính lượng đơn đăng ký có kế hoạch tuyển dụng "tăng khá chậm". Dù vậy, mức tăng về số công ty mới vẫn là lý do giúp họ lạc quan rằng số việc làm sẽ quay trở lại nhanh hơn các cuộc suy thoái trước.


Nhạc Phong