CEO Viettel và câu chuyện đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp ở Việt Nam
Thảo luận về nội dung đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam lần thứ 6 (Vietnam ICT Summit 2016), Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thiếu tướng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghiệp phụ trợ sẽ không quan trọng trong trường hợp chúng ta đang làm những gì thế giới đã làm. Trong khi đổi mới sáng tạo vốn dĩ là phải làm những thứ người ta chưa làm, những gì người ta đã làm rồi thì tốt nhất là đi mua sản phẩm đó.
Phân tích về quỹ đầu tư phát triển cho đổi mới sáng tạo của nước ta đang được đầu tư ở mức 0,54% GDP, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là mức đầu tư khá nhiều. Bởi lẽ, với mức hỗ trợ 0,54% GDP trong mô hình 1 + 1 thì sẽ không thể có hiệu quả cao. Nhưng nếu nghĩ đến mô hình 1 + 10 có sự tham gia của chính những người sử dụng, những doanh nghiệp khi thấy một sản phẩm có tiềm năng và có cơ hội thành công sẽ rót tiền đầu tư hiệu quả sẽ rất cao mà không cần đến sự đầu tư của Chính phủ.
Thiếu tướng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Nguyễn Mạnh Hùng thảo luận về đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. (Nguồn: Vov.vn) |
Tuy nhiên, để thành công với mô hình này, trong cách suy nghĩ về đầu tư phát triển và đổi mới sáng tạo cũng cần phải khác đi. Lấy ví dụ trường hợp của Nguyễn Hà Đông - tác giả game Flappy Bird, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, trong 1 triệu người mới chỉ có 1 người như Nguyễn Hà Đông.
Nhưng nếu lấy lợi nhuận từ thành công của Nguyễn Hà Đông chia cho 1 triệu người khác không thành công, thì mỗi người chỉ được khoảng 1 USD. Do đó, mô hình 1 người thành công trong số 1 triệu người sẽ là mô hình rất làm nản lòng mọi người, nên cần tính đến mô hình làm sao cả 1 triệu người cùng thành công nhưng mỗi người sẽ phải có mức thu nhập 100 USD.
“Chúng ta chỉ cần làm những việc nhỏ ngay xung quanh mình để tăng khả năng 1 triệu người cùng có 100 triệu USD. Mô hình 1 triệu người có 100 USD tốt ở chỗ giải được câu chuyện mang đặc trưng hết sức Việt Nam. Điều quan trọng hơn là người Việt sẽ không phải làm thuê cho công ty nước ngoài, bởi đã dùng công cụ của nước ngoài thì ít nhiều đang làm thuê cho họ”, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Bàn về câu chuyện khởi nghiệp, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, người khởi nghiệp thường có tâm lý muốn làm việc dễ, nhưng trái lại những doanh nghiệp thường nghĩ đến những gì to tát nên cùng lúc cả hai đối tượng đều gặp nhiều khó khăn vì gặp bài toán khó. Thay vì tự tìm cách giải, doanh nghiệp cần nghĩ đến những những công cụ chuyển đổi những bài toán khó thành những bài toán dễ hơn để ai cũng giải được bài toán đó, khi ấy tất cả cùng thành công.
Cũng theo quan điểm của Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, khi nhắc đến vấn đề khởi nghiệp, nhiều người thường quan tâm đến việc thành lập quỹ này quỹ khác mà không để ý tới chi tiết là, một khi đã có quỹ lại phải làm bài toán xét duyệt…
Tất nhiên là không ai có thể xét duyệt được sự đổi mới sáng tạo, cho nên chỉ cần đổi mô hình một chút là có thể thành công. Người khởi nghiệp hoàn toàn có thể bán đi cái áo cuối cùng của mình, vay tiền bố mẹ, bạn bè để khởi nghiệp. Chỉ cần một ý tưởng thành hình sản phẩm, sẽ có nhiều người rót tiền vào để hỗ trợ cá nhân khởi nghiệp thành công.
“Doanh nghiệp có thị trường nên cứ thấy cơ hội là thường đổ cả tỷ đồng đầu tư, nhưng với một người bình thường, việc khởi nghiệp có khi chỉ cần 20 triệu đồng. Nhưng nếu cứ ngồi đây nói câu chuyện khởi nghiệp, tính xin quỹ sẽ là rất khó, vì tâm lý rất tự nhiên của con người là chỉ khi rất đam mê một công việc nào đó người ta mới tiêu những đồng tiền của chính mình. Nhưng khi đi xin được tiền hay vay mượn đâu đó, người ta thường tính đến chuyện tiêu số tiền đó trước. Hãy thay đổi cách suy nghĩ thay việc xin hỗ trợ bằng việc bỏ chính đồng tiền của mình ra để đầu tư khởi nghiệp”, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Dẫn chứng nhiều mô hình quốc gia khởi nghiệp đang tồn tại trên thế giới, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tuyệt nhiên chưa có mô hình khởi nghiệp nào có đến hai nước cùng thành công. Vì thế, thay bằng việc học hỏi nước ngoài, mô hình khởi nghiệp của Việt Nam nên thực thi theo đúng mô hình của Việt Nam.
Bởi lẽ, mô hình khởi nghiệp của Việt Nam dựa trên văn hóa Việt Nam với niềm tin mãnh liệt, đó là thế giới hiện nay đổi mới sáng tạo từng giây, đến mức mỗi khách hàng là một cá thể riêng biệt. Mỗi khách hàng cần được lắng nghe, cần được phục vụ một cách riêng biệt, do đó nếu thì đất nước nào thành công trong giai đoạn này là đất nước phải có một nền văn hóa rất đa dạng.
Trong khi đó, cả thế giới không có một đất nước nào, một dân tộc nào lại có sự đa dạng về văn hóa lớn như Việt Nam. “Cả nước có 11.000 xã ăn ở khác nhau, cưới hỏi khác nhau đến đời sống ở mỗi thôn cũng khác nhau. Trong khi người ta vẫn nói điểm yếu của Việt Nam chính là sự đa dạng, nhưng chính sự đa dạng đó lại rất phù hợp với nền kinh tế thứ 4, nghĩa là đến thời kì mỗi cá thể là một khách hàng riêng biệt cần được phục vụ một cách riêng biệt và không một dân tộc nào, đất nước nào phù hợp hơn cho giai đoạn này bằng Việt Nam”, Thiếu tướng, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng kết thúc câu chuyện của mình.
Theo Nguyễn Quỳnh
Vov.vn