|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/4: Số ca tử vong trên toàn cầu sắp cán mốc 200.000, liên tiếp 8 ngày Việt Nam không có ca mới

07:58 | 24/04/2020
Chia sẻ
Thế giới ghi nhận hơn 2,7 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 190.000 ca tử vong tính đến sáng nay. Trong vòng 24h qua, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm và tử vong hàng ngày cao nhất.

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 25/4

Tính đến 7h sáng nay (24/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 2,7 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 190.422 người đã tử vong và 745.045 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/4: Số ca tử vong trên toàn cầu sắp cán mốc 200.000, liên tiếp 8 ngày Việt Nam không có ca mới - Ảnh 1.

Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã cán mốc 190.000 người. (Ảnh minh họa: AFP)

Việt Nam: 8 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (24/4), Việt Nam không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 268, trong đó 224 người đã khỏi bệnh, còn 44 người đang điều trị tại 8 cơ sở y tế (15 ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần một, 2 ca âm tính lần hai).

Như vậy, đến nay đã 8 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới. Trong tổng số 268 ca bệnh, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%), 108 người lây nhiễm thứ phát.

Tính đến sáng nay, có 68.890 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 352 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 17.832 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 50.706 người.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 23/4, các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao như các huyện Mê Linh, Thường Tín của TP Hà Nội; huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang; huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trên thế giới: Mỹ sắp cán mốc 50.000 ca tử vong

Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 879.430 ca nhiễm và 49.769 ca tử vong, tăng lần lượt 30.713 và 2.110 ca so với một ngày trước đó. Trong vòng 24h qua, Mỹ tiếp tục là nước có số ca nhiễm và tử vong hàng ngày nhiều nhất thế giới.

New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ với hơn 15.000 ca tử vong.

Ngày 23/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện lên đến 484 tỉ USD, nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 cũng như tăng cường xét nghiệm.

Gói cứu trợ này đã nâng tổng chi phí hỗ trợ của Mỹ dành cho cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 lên tới gần 3 nghìn tỉ USD.

Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19 khi chiếm tới 2/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Đã có khoảng 110.000 người tử vong do COVID-19 tại châu lục này.

Tại Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 213.024 ca nhiễm và 22.157 ca tử vong, tăng lần lượt 4.635 và 440 ca trong vòng 24h qua.

Chính phủ Tây Ban Nha đang lên kế hoạch dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19 trong nửa cuối tháng 5. Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cảnh báo, việc trở lại trạng thái bình thường cần phải chậm rãi và đảm bảo tính an toàn.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang có những diễn biến cho thấy dịch bệnh đã qua đỉnh điểm. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 2.646 ca nhiễm và 464 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 189.973 và 25.549 ca.

Chính phủ nước này đã công bố giai đoạn 2 nhằm ứng phó với dịch COVID-19, bắt đầu từ ngày 4/5. Theo đó, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn.

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 158.183 ca nhiễm và 21.856 ca tử vong, tăng lần lượt 2.239 và 516 ca so với một ngày trước đó. Lệnh phong tỏa toàn quốc tại quốc gia này sẽ kết thúc sau ngày 11/5.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 153.129 ca nhiễm và 5.575 ca tử vong; tăng lần lượt 2.481 và 260 ca so với một ngày trước đó.

Chính phủ nước này đã cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại, đồng thời tuyên bố sẽ bắt đầu thử nghiệm vắc xin trên người vào tuần tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống COVID-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch có thể sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.

Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 4.583 ca nhiễm COVID-19 và 638 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 138.078 và 18.738 ca. Hiện Anh vẫn đang áp dụng phong tỏa toàn quốc, khuyến cáo người dân ở nhà.

Trong vòng 24h qua, Nga ghi nhận thêm 4.774 ca mắc và 42 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 62.773 và 555 ca.

Tại Châu Á, Iran hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 87.026 ca nhiễm và 5.481 ca tử vong, tăng lần lượt 1.030 và 90 ca so với một ngày trước đó.

Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.798 trường hợp nhiễm COVID-19 và 4.632 ca tử vong.

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donal Trump nói rằng ông sẽ đóng băng tài trợ cho cơ quan LHQ, hôm qua (23/4),Trung Quốc tuyên bố sẽ quyên góp thêm 30 triệu USD cho WHO để giúp chống lại đại dịch.

Tại Đông Nam Á, Singapore hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 11.178 ca nhiễm (tăng 1.037 ca) và 12 ca tử vong. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Singapore ghi nhận mỗi ngày trên 1.000 ca nhiễm mới, trong đó phần lớn xuất phát từ các khu nhà ở của lao động nước ngoài. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong tại quốc gia này rất thấp.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách li xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6, mặc dù thời hạn cách li xã hội còn 2 tuần nữa mới chấm dứt.

Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 7.775 ca nhiễm và 647 ca tử vong (cao nhất khu vực); tăng lần lượt 357 và 12 ca so với một ngày trước đó.

Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 6.981 ca nhiễm và 462 ca tử vong, tăng lần lượt 271 và 16 ca so với một ngày trước đó.

Trong khi tốc độ tăng số ca tử vong hàng ngày tại Singapore, Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại thì tình hình dịch bệnh đang có sự chững lại tại Malaysia và Thái Lan.

Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 5.603 ca nhiễm và 95 ca tử vong, tăng lần lượt 71 và 2 ca. Tốc độ tăng số ca tử vong tại quốc gia này đã chậm lại đáng kể so với thời điểm dịch xuất hiện.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 13 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.839 và 50 ca.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ còn kéo dài, đồng thời nhận định hiện phần lớn các nước vẫn ở trong giai đoạn đầu ứng phó với dịch.

WHO và các chuyên gia y tế khác cũng cảnh báo rằng các biện pháp nghiêm ngặt nên được duy trì cho đến khi có một phương pháp điều trị hoặc tìm ra vắc xin.

Hà Lê