|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 21/4: Tây Ban Nha vượt mốc 200.000 ca nhiễm, Việt Nam 5 ngày liên tiếp không có ca mắc mới

07:57 | 21/04/2020
Chia sẻ
Ghi nhận đến sáng nay, thế giới đã có hơn 170.000 người tử vong trong tổng số 2,47 triệu người nhiễm COVID-19. Trong đó, tình hình dịch bệnh đang dần hạ nhiệt tại một số nước Châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức,...

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 22/4

Tính đến 7h sáng nay (21/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 2,47 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 170.363 người đã tử vong và 645.810 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 21/4: Tây Ban Nha vượt mốc 200.000 ca nhiễm, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch - Ảnh 1.

Một số cửa hàng nhỏ tại Đức được mở cửa trở lại từ hôm qua. (Ảnh: AFP)

Việt Nam: Tròn 5 ngày không có ca nhiễm mới

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (21/4), Việt Nam không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 268, trong đó 214 người đã khỏi bệnh (1 người trong diện theo dõi 14 ngày sau điều trị), còn 53 người đang điều trị tại 9 cơ sở y tế.

Như vậy, lần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua, 4 ngày liên tục Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới nào. Trong tổng số 268 ca bệnh, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%), 108 người lây nhiễm thứ phát.

Tính đến sáng nay, có 75.799 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 268 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 15.368 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 60.163 người. Số ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 14, lần 2 là 7.

Đến nay đã có 33/63 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Bình, Hà Nam, Hà Giang.

Trên thế giới: Đức mở cửa trở lại một số cửa hàng

Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 792.735 ca nhiễm và 42.507 ca tử vong, tăng lần lượt 28.099 và 1.932 ca so với một ngày trước đó.  

Đến nay, New York - bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ ghi nhận số ca tử vong giảm trong 5 ngày liên tiếp. Hiện bang này có hơn 14.300 ca tử vong. Hiện nay, nhiều bang ở Mỹ đang áp dụng các lệnh phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau, tùy theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Người đứng đầu tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 20/4 đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ khi tuyên bố tổ chức này đã đưa ra lời cảnh báo sớm về dịch COVID-19 ngay từ ngày đầu tiên và không có gì để che giấu Mỹ.

Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19, chiếm gần 70% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Tuy nhiên, Châu Âu đã nhìn thấy những dấu hiệu đáng khích lệ vào cuối tuần qua với số người tử vong hàng ngày giảm ở Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.

Tại Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 200.210 ca nhiễm và 20.852 ca tử vong, tăng lần lượt 1.536 và 399 ca trong vòng 24h qua.

Thủ tướng Tay Ban Nha Pedro Sanchez đã đề nghị Quốc hội nước này gia hạn tình trạng khẩn cấp để tiếp tục áp lệnh phong tỏa đến ngày 9/5 sau khi lệnh phong tỏa cũ kết thúc vào 25/4 tới. Tuy nhiên, việc gia hạn này sẽ áp dụng cho từng vùng, tùy theo diễn biến.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang ghi nhận dấu hiệu chững lại của số ca nhiễm và ca tử vong hàng ngày, cho thấy dịch bệnh đã qua đỉnh điểm. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 2.256 ca nhiễm và 454 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 181.228 và 24.114 ca.

Tổng số ca đang điều trị tại Italy trong ngày 20/4 lần đầu tiên đã giảm bớt 20 ca kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng.

Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5 và Chính phủ nước này đang chuẩn bị các kịch bản cho việc nối lại một số hoạt động kinh tế sau ngày 4/5.

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 155.383 ca nhiễm và 20.265 ca tử vong, tăng lần lượt 2.489 và 547 ca so với một ngày trước đó. Lệnh phong tỏa toàn quốc tại quốc gia này sẽ kết thúc sau ngày 11/5.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 147.065 ca nhiễm và 4.862 ca tử vong; tăng lần lượt 1.323 và 220 ca so với một ngày trước đó.

Hôm qua, một số cửa hàng nhỏ ở một số khu vực tại Đức đã được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn kêu gọi người dân cần thận trọng và chấp hành nghiêm ác biện pháp bởi dịch bệnh nguy hiểm này vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại.

Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 4.676 ca nhiễm COVID-19 và 449 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 124.743 và 16.509 ca. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 16/4 đã quyết định kéo dài lệnh phong toả tại Anh thêm ít nhất 3 tuần.

Tại Châu Á, Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.747 trường hợp nhiễm COVID-19 và 4.632 ca tử vong.

Trung Quốc hôm nay 20/4 hạ 20 điểm cơ bản lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm xuống 3,85%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kì hạn 5 năm được điều chỉnh giảm 10 điểm phần trăm xuống 4,65%. Đây là lần thứ 2 trong năm Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản nhằm kích thích kinh tế.

Iran hiện đang là tâm dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á với 83.505 ca nhiễm và 5.209 ca tử vong, tăng lần lượt 1.294 và 91 ca so với một ngày trước đó.

Tại Đông Nam Á, Singapore hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 68.014 ca nhiễm và 11 ca tử vong tính đến sáng nay. Chính phủ nước này đã ban hành nhiều biện pháp để ngăn chặn virus lây lan như đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu tới 4/5.

Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 6.760 ca nhiễm và 590 ca tử vong (cao nhất khu vực); tăng lần lượt 185 và 8 ca so với một ngày trước đó. So với một ngày trước đó, tốc độ tăng số ca nhiễm và tử vong hàng ngày đã chậm lại đáng kể.

Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 6.459 ca nhiễm và 428 ca tử vong, tăng lần lượt 200 và 19 ca.

Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 5.425 ca nhiễm và 89 ca tử vong. Số ca tử vong hàng ngày tại quốc gia này đã không tăng trong 2 ngày liên tiếp.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 27 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên và tử vong lên 2.792, trong đó có 47 ca tử vong. Đã 4 ngày liên tiếp trôi qua, quốc gia này không ghi nhận thêm ca tử vong mới.

Hà Lê

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.