|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 25/4: Mỹ sắp cán mốc 1 triệu người mắc, Việt Nam chỉ còn 50/270 ca đang điều trị

07:52 | 25/04/2020
Chia sẻ
Đến sáng nay, toàn thế giới ghi nhận gần 197.000 người tử vong trong số gần 2,8 triệu ca nhiễm COVID-19. Tại một số quốc gia Châu Âu như Italy, Pháp, Đức,... tình hình dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt.

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 26/4

Tính đến 7h sáng nay (25/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 2,8 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 196.972 người đã tử vong và 781.253 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 25/4: Mỹ sắp cán mốc 1 triệu người mắc, Việt Nam có 270 ca nhiễm - Ảnh 1.

Thế giới ghi nhận hơn 2,8 triệu người nhiễm COVID-19 tính đến sáng nay. (Ảnh: AFP)

Việt Nam: Số ca nhiễm tăng lên 270

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (25/4), Việt Nam không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 là 270, trong đó 220 người đã khỏi bệnh, còn 50 người đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Trong vòng 24h qua, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca nhiễm mới, đều là du học sinh về từ Nhật Bản và cách ly tập trung ngay. Trong tổng số 270 ca bệnh, có 162 người từ nước ngoài (chiếm 60%), 108 người lây nhiễm thứ phát.

Tính đến sáng nay, có 54.966 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 280 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 7.020 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 47.666 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến sáng nay, đã có 5 bệnh nhân dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh, bao gồm: BN188, BN52, BN149, BN137,BN36.

Trên thế giới: Mỹ ghi nhận gần 1 triệu ca mắc

Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 923.612 ca nhiễm và 52.092 ca tử vong, tăng lần lượt 37.170 và 1.858 ca so với một ngày trước đó.

Trong vòng 24h qua, Mỹ tiếp tục là nước có số ca nhiễm và tử vong hàng ngày nhiều nhất thế giới. Trong đó, New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ, chiếm khoảng một nửa số ca tử vong.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ngày 24/4 cho biết tăng trưởng kinh tế giảm và gia tăng chi tiêu Chính phủ cho công tác xét nghiệm, chăm sóc y tế và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng gần 4 lần lên 3.700 tỉ USD.

Báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết, 4 dự luật hỗ trợ tài chính vừa được thông qua sẽ bổ sung 2.500 tỉ USD vào mức nợ quốc gia 24.600 tỉ USD trong nửa cuối của năm tài khóa 2020. Con số này gấp đôi kỷ lục thâm hụt ngân sách trong năm đầu tiên của nhiệm kì của Tổng thống Barack Obama.

Trước đó một ngày, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện lên đến 484 tỉ USD, nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 cũng như tăng cường xét nghiệm.

Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19 khi chiếm tới 2/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Đã có khoảng 110.000 người tử vong do COVID-19 tại châu lục này.

Tại Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 219.764 ca nhiễm và 22.524 ca tử vong, tăng lần lượt 4.740 và 367 ca trong vòng 24h qua.

Chính phủ Tây Ban Nha đang lên kế hoạch dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19 trong nửa cuối tháng 5. Một số qui định được nới lỏng từ ngày 26/4 như cho phép trẻ em ra ngoài trong khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cảnh báo, việc trở lại trạng thái bình thường cần phải chậm rãi và đảm bảo tính an toàn.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang có những diễn biến cho thấy dịch bệnh đã qua đỉnh điểm. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 3.021 ca nhiễm và 420 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 192.994 và 25.969 ca.

Chính phủ nước này cho biết sẽ nởi lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc trong khoảng 4 tuần nữa.

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 159.828 ca nhiễm và 22.245 ca tử vong, tăng lần lượt 1.645 và 389 ca so với một ngày trước đó. Lệnh phong tỏa toàn quốc tại quốc gia này sẽ kết thúc sau ngày 11/5.

Chính phủ Pháp cho biết sẽ áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ, với các quĩ tài chính đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, có từ 20 lao động trở xuống và có doanh thu dưới 2 triệu euro.

Theo thông báo của Bộ trưởng Kinh tế, ông Bruno Le Maire, các nhà hàng, cửa hàng cà phê có thể sẽ được mở cửa trở lại vào cuối tháng 5 tới với các qui định hoạt động đặc biệt nhằm tránh làm lây lan virus.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 154.999 ca nhiễm và 5.760 ca tử vong; tăng lần lượt 1.870 và 185 ca so với một ngày trước đó.

Chính phủ Đức đã cho phép các cửa hàng và một số doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa toàn quốc vẫn kéo dài đến hết 3/5.

Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 5.386 ca nhiễm COVID-19 và 768 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 143.464 và 19.506 ca. Hiện Anh vẫn đang áp dụng phong tỏa toàn quốc, khuyến cáo người dân ở nhà.

Trong vòng 24h qua, Nga ghi nhận thêm 5.849 ca mắc và 60 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 68.622 và 615 ca. Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Reshetnikov cho biết, kinh tế nước này đang mất đi gần 100 tỉ Ruble mỗi ngày do ảnh hưởng của COVID-19.

Tại Châu Á, Iran hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 88.194 ca nhiễm và 5.574 ca tử vong, tăng lần lượt 1.168 và 93 ca so với một ngày trước đó.

Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.804 trường hợp nhiễm COVID-19 và 4.632 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Singapore hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 12.075 ca nhiễm (tăng 897 ca) và 12 ca tử vong. Tốc độ tăng số ca nhiễm hàng ngày tại quốc gia này đã chậm lại sau 4 liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày. Trái lại, tỉ lệ tử vong tại quốc gia này rất thấp.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách li xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6, mặc dù thời hạn cách li xã hội còn 2 tuần nữa mới chấm dứt.

Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 8.211 ca nhiễm và 689 ca tử vong (cao nhất khu vực); tăng lần lượt 436 và 42 ca so với một ngày trước đó.

Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 7.192 ca nhiễm và 477 ca tử vong, tăng lần lượt 211 và 15 ca so với một ngày trước đó.

Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 5.691 ca nhiễm và 96 ca tử vong, tăng lần lượt 88 và 1 ca. Tốc độ tăng số ca tử vong tại quốc gia này đã chậm lại đáng kể so với thời điểm dịch xuất hiện.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 15 ca nhiễm, nâng tổng số lên 2.854, trong đó có 50 ca tử vong.

Hà Lê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.