|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Bí quyết' giúp Việt Nam sẵn sàng hơn trong đối phó dịch

07:56 | 25/04/2020
Chia sẻ
Các chính sách quản lý tài chính thận trọng của Chính phủ trong vài năm qua đã giúp Việt Nam sẵn sàng hơn về mặt tài chính để đối phó với khủng hoảng do dịch và nếu đại dịch dần được kiểm soát trong những tháng tới, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tương đối nhanh chóng nhờ các nền tảng mạnh mẽ.
'Bí quyết' giúp Việt Nam sẵn sàng hơn trong đối phó dịch - Ảnh 1.

Theo đại diện WB, các chính sách quản lý tài chính thận trọng của Chính phủ trong vài năm qua đã giúp Việt Nam sẵn sàng hơn về mặt tài chính để đối phó với khủng hoảng.

 Đây là quan điểm của ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, về những đánh giá và dự báo của ông đối với khả năng chống chịu trước những cú sốc, cũng như triển vọng về trung hạn của kinh tế Việt Nam.

Trong báo cáo đánh giá gần đây, Ngân hàng Thế giới nhận định rằng mặc dù Việt Nam đang đối mặt với một số nguy cơ lớn liên quan đến đại dịch COVID-19, cùng những xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trước các cú sốc bên ngoài.

Việt Nam đang sở hữu nhiều nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ

Trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Ousmane Dione cho rằng, khả năng "đàn hồi" của kinh tế Việt Nam được giải thích bởi hai yếu tố chính.

Đầu tiên là sự chuẩn bị để sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp kịp thời nhằm ứng phó với đại dịch, ví dụ như đóng cửa trường học, bên cạnh việc thực hiện giãn cách xã hội và theo dõi sức khoẻ đối với những nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Kết quả là, với chỉ 268 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và không trường hợp nào tử vong vì dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn hiệu quả một cuộc khủng hoảng sức khỏe.

Thứ hai, Việt Nam đang sở hữu nhiều nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có yếu tố kinh tế phát triển nhanh chóng, cùng cán cân tài khoản vãng lai và cán cân tài khoá lành mạnh.

"Các chuyên gia kinh tế cho rằng đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế thông qua việc làm suy giảm cán cân thanh toán, gia tăng thâm hụt ngân sách và bất ổn tài chính. Tuy nhiên, trên ba kênh này, chúng tôi lại thấy rằng Việt Nam đang có những thế mạnh nhất định", ông nói.

Cán cân thanh toán của Việt Nam được vận hành dựa trên một nền tảng xuất khẩu mạnh mẽ, trong khi sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các kênh huy động vốn ngắn hạn là không cao, kể cả trong trường hợp sự tổn thương xảy đến trong các lĩnh vực du lịch, kiều hối và dòng vốn FDI.

Về mặt ngân sách, gia tăng thâm hụt ngân sách dự kiến có thể được bù đắp bằng các khoản vay bổ sung trên thị trường trong nước và quốc tế, bao gồm cả các tổ chức tài chính quốc tế. Ngoài ra, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài hơn dự kiến, "sức khỏe" ngành tài chính của Việt Nam vẫn được dự báo tích cực ngay cả khi một số ngân hàng có thể phải đối mặt với tình trạng nợ quá hạn gia tăng và mức lợi nhuận xuống thấp.

Trong khi những biện pháp đối phó của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế hết lời ca ngợi, có một điều ít được nhắc đến đó là các chính sách quản lý tài chính thận trọng của Chính phủ trong vài năm qua đã giúp Việt Nam sẵn sàng hơn về mặt tài chính để đối phó với khủng hoảng.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ nợ trên GDP của Việt Nam đã giảm gần 7 điểm phần trăm, qua đó cung cấp không gian tài chính và tạo điều kiện để Chính phủ tài trợ cho những biện pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ khủng hoảng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã thận trọng trong việc quản lý thanh khoản thông qua việc duy trì lượng dự trữ đáng kể trong kho bạc.

Có thể nói, duy trì sự ổn định của cán cân tài khoản vãng lai, cán cân tài khoá và hệ thống tài chính trong nước không chỉ giúp làm giảm những tổn thất liên quan đến khủng hoảng COVID-19 trong thời gian ngắn mà còn đưa Việt Nam vào một vị trí thuận lợi trong công cuộc "đánh thức" nền kinh tế sau khủng hoảng.

Ông Ousmane Dione cho rằng, nếu đại dịch dần được kiểm soát trong những tháng tới, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tương đối nhanh chóng nhờ các nền tảng mạnh mẽ.

Gói các biện pháp bảo vệ xã hội và giãn thuế được công bố gần đây dường như là những kế hoạch đầy tham vọng, dự kiến sẽ bảo vệ khoảng 25 triệu người và hầu hết số doanh nghiệp đã đăng ký. Đây là một mức hỗ trợ hợp lý với chi phí ước tính tương đương khoảng 1% GDP.

Mặc dù vậy, trong quý I/2020, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 3,8% - mức tăng theo quý thấp nhất kể từ năm 2009. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới do các biện pháp hạn chế trong nước và nhu cầu nước ngoài sụt giảm. Tuy nhiên, tất cả những dự đoán này đều chỉ mang tính chất ước lượng và rất có thể sẽ được điều chỉnh theo thời gian cũng như mức độ khủng hoảng của COVID-19.

"Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm hoàn hảo để Việt Nam đẩy mạnh những cải cách quan trọng nhằm cải thiện khả năng ứng phó và phục hồi từ các đại dịch trong tương lai", ông nói.

Dự báo của Standard Chartered

Liên quan tới kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cũng vừa công bố Báo cáo Nghiên cứu Toàn cầu - Triển vọng Kinh tế Quý 2/2020 với tựa đề "Darkest before the dawn" (tạm dịch là Bóng tối trước bình minh). Báo cáo này đã đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 và chỉ đạt 3,3% do ảnh hưởng của nhiều thách thức bên ngoài.

Cụ thể, ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ, hiện tại Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu nhờ lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ giao dịch thương mại so với GDP đã tăng lên 300% và nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ cao nhất tại châu Á nên Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thế giới.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế Mỹ, các quốc gia thuộc khu vực đồng Euro... có khả năng đi vào suy thoái và nhu cầu thế giới suy giảm sẽ ảnh hưởng lên tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020. Đơn cử như tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của nhu cầu thế giới sụt giảm, với tốc độ tăng trưởng năm nay ước đạt 3% so với mức 11% trong năm 2019.

Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất cũng được dự báo có mức đóng góp vào tốc độ tăng GDP nói chung sẽ giảm 1,6 điểm phần trăm so với năm 2019. Đồng thời, với vốn chiếm tỷ trọng 19% GDP và đóng góp gần 1/3 vào tăng trưởng GDP trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất có thể sẽ trở thành kênh chính truyền dẫn những tác động từ môi trường bên ngoài vào Việt Nam.

Lĩnh vực dịch vụ cũng đang chiếm tỷ trọng gần 40% GDP, được dự báo sẽ giảm tốc trong năm 2020 với mức tăng trưởng ước đạt 4% năm so với mức 7,3% trong năm 2019 và đóng góp vào tăng trưởng GDP nói chung giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019. Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng chậm lại, hoạt động nội địa suy giảm cùng với biện pháp cách ly xã hội (gồm hạn chế tụ tập đông người) là những nguyên nhân sẽ tác động tới nhu cầu mua sắm tiêu dùng.

Đối với ngành du lịch đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể do tác động của lệnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19. Do đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo lượt khách du lịch đến Việt Nam sẽ giảm mạnh khoảng 60% trong năm 2020.

Tương tự, tăng trưởng xuất khẩu được dự báo sẽ giảm tốc đáng kể trước ảnh hưởng của nhu cầu thế giới, nhưng tăng trưởng nhập khẩu cũng sẽ có xu hướng tương tự với mức tăng sẽ thấp hơn xuất khẩu, dẫn đến cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2020. Đặc biệt, trong xu thế này, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm xuống dưới 10 tỷ USD trong năm 2020 và tiếp tục suy giảm nếu những lo ngại liên quan đến dịch bệnh còn kéo dài trong nửa cuối năm. Các hoạt động xây dựng cũng sẽ chậm lại do yếu tố tâm lý thị trường và vốn FDI giảm.

Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, đồng tiền Việt Nam (VND) sẽ tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn trong bối cảnh nhu cầu của thế giới, hoạt động du lịch và dòng vốn FDI sụt giảm cũng như sự suy yếu của những đồng tiền khác trong khu vực. Trong trung hạn, trạng thái cân bằng đối ngoại (external balances) của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục được duy trì và dự báo VND sẽ có những diễn biến tích cực.

Thanh Hằng