|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kiều hối về Việt Nam dự báo giảm 17% do COVID-19

07:31 | 25/04/2020
Chia sẻ
Nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 được dự báo sẽ có thể giảm tới 17% so với năm 2019 do các ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 lên triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những nền kinh tế có nguồn kiều hối chảy mạnh về Việt Nam trong những năm qua.

Theo dự báo sơ bộ của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm khoảng 10-15% so với năm 2019, nhưng sự sụt giảm trên thực tế có thể cao hơn, rơi vào khoảng 15-17%, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến xấu.

Kiều hối về Việt Nam dự báo giảm 17% do Covid-19 - Ảnh 1.

Kiều hối về Việt Nam trong năm nay sẽ suy giảm do COVID-19. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trong năm 2019, nguồn kiều hối về Việt Nam được ước tính vào khoảng gần 17 tỉ đô la, đứng thứ 9 trong 10 nước có nguồn kiều hối lớn nhất thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Lý giải cho sự sụt giảm kiều hối trong năm nay, ông Lực cho biết do các thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam, như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, hiện đang bị ảnh hưởng rất tiêu cực bởi dịch COVID-19, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam như vậy sẽ không thể dồi dào như trước.

“Tuy nhiên, ở một số thị trường châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, dự báo khả năng kiểm soát dịch bệnh tại đây sẽ tốt hơn ở châu Âu và Mỹ. Lượng kiều hối từ những nước này như vậy sẽ có sự sụt giảm nhẹ hơn so với những nước khác”, ông Lực phân tích.

Theo đánh giá của ông Lực, nguồn kiều hối về Việt Nam năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhưng mức độ giảm có thể sẽ không mạnh như một số nước khác khi số lượng người xuất khẩu lao động trở về Việt Nam hiện không nhiều. 

Ngoài ra, với khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt cùng mức độ khả quan trong phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch (GDP dự báo theo kịch bản cơ sở là 4,5-5%), Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thu hút nguồn kiều hối gửi về trong thời gian tới để tận dụng các cơ hội đầu tư sinh lời tại đây.

Mới đây, World Bank cũng đưa ra dự báo lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm mạnh khoảng 20% trong năm 2020 do cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra và cùng với việc đóng cửa nhiều nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh. 

Đây sẽ là sự sụt giảm kiều hối mạnh nhất trong lịch sử khi nguyên nhân đến từ việc cắt giảm tiền lương và việc làm của người lao động nhập cư - những người có xu hướng dễ bị mất việc làm và tiền lương hơn trong một cuộc khủng hoảng kinh tế ở tại quốc gia họ đang làm viêc.

Đáng chú ý, nguồn kiều hối gửi về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình được dự đoán sẽ giảm 19,7% xuống còn 445 tỉ đô la, đồng nghĩa với việc nhiều hộ gia đình dễ bị tổn thương trong xã hội giờ sẽ phải đối mặt với mất mát lớn trong nguồn tài chính được gửi về từ người thân làm sống và làm việc tại nước ngoài.

Dòng kiều hối chuyển đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đạt mức kỷ lục 554 tỉ đô la vào năm 2019. 

Ngay cả khi sự sụt giảm xảy ra với dòng kiều hối, đây được dự kiến sẽ vẫn là nguồn tài trợ tài chính quan trọng từ nước ngoài chảy vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến sẽ giảm hơn 35% trong năm 2020. 

Trong năm 2019, dòng kiều hối chuyển đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lớn hơn nguồn FDI, đóng vai trò là một nguồn tài chính thiết yếu cho các nước đang phát triển.

Năm 2021, World Bank ước tính lượng kiều hối chuyển tới cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ phục hồi và tăng 5,6% lên tới 470 tỉ đô la. 

Tuy nhiên, triển vọng kiều hối vẫn chưa chắc chắn do chưa lượng hoá được hoàn toàn các tác động của COVID-19 với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và chuẩn hoá các biện pháp kiềm chế sự lây lan của căn bệnh này.

Trang Nguyễn

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.