|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gói kích thích hơn 8.000 tỉ USD chưa chắc cứu được kinh tế toàn cầu

07:49 | 24/04/2020
Chia sẻ
Chính phủ nhiều nước cam kết dành ra tổng cộng hơn 8.000 tỉ USD để bù đắp thiệt hại của đại dịch COVID-19, nhưng đa phần số tiền này tập trung ở một số ít nền kinh tế phát triển, kéo theo nguy cơ gia tăng chênh lệch giàu-nghèo giữa các quốc gia với nhau.

Theo Bloomberg, các quốc gia giàu có sở hữu nhiều nguồn lực hơn trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại kinh tế mà đại dịch COVID-19.

Chẳng hạn, Đức và Italy đã lần lượt phân bổ hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu ngân sách trực tiếp, bảo lãnh ngân hàng, cho vay và bơm tiền vào thị trường chứng khoán. Tổng giá trị gói cứu trợ của hai nước là 1,84 nghìn tỉ USD, theo số liệu của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, các quốc gia mà nhóm nhà phân tích của IMF lo ngại nhất lại chỉ có thể kích thích kinh tế nhỏ giọt. Theo dữ liệu của IMF và báo cáo của hơn 60 quốc gia mà Bloomberg tổng hợp, nhiều nền kinh tế châu Phi và Mỹ Latin thậm chí không có đủ vài tỉ USD để hỗ trợ tài khóa trong đại dịch.

Gói kích thích hơn 8.000 tỉ USD chưa chắc đã đủ để cứu kinh tế toàn cầu nhưng có thể làm sâu sắc thêm phân hóa giàu - nghèo - Ảnh 1.

"Chính phủ các nước đang tung ra nhiều biện pháp kích thích tài khóa, tuy nhiên qui mô không giống nhau", ông Chua Hak Bin - nhà kinh tế cấp cao tại Maybank Kim Eng Research (có trụ sở tại Singapore), cho hay.

"Trong khi các nước phát triển có thể tung ra nhiều gói kích thích tài khóa khủng thì các thị trường mới nổi không có nhiều dư địa tài khóa để hỗ trợ kinh tế. So với gói kích thích của các nước phát triển, gói cứu trợ của các nước nghèo giống như súng phun nước chọi súng bazooka", ông Chua lí giải.

Bà Gita Gopinath - nhà kinh tế trưởng của IMF, đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng các nền kinh tế đang phát triển có ít dư địa chính sách và cơ sở hạ tầng yếu kém hơn, cho nên công tác kiểm soát đại dịch thường giật cục và khó khăn hơn.

Ví dụ, phần lớn trong gói cứu trợ hơn 8.000 tỉ USD nêu trên là các gói bảo lãnh ngân hàng ở những nước phát triển, chẳng hạn Pháp và Tây Ban Nha đã phân bổ lần lượt hơn 300 tỉ USD và 100 tỉ USD cho loại hình hỗ trợ này.

Trong khi tổng gói cứu trợ kinh tế thời đại dịch của Mỹ hiện là 2.300 tỉ USD thì Nam Phi - nền kinh tế duy nhất của lục địa đen thuộc nhóm G20, chỉ có thể đưa ra gói kích thích khoảng 26 tỉ USD. Các nước láng giềng khác của Nam Phi thậm chí còn kém xa con số đó.

Gói kích thích hơn 8.000 tỉ USD chưa chắc đã đủ để cứu kinh tế toàn cầu nhưng có thể làm sâu sắc thêm phân hóa giàu - nghèo - Ảnh 2.

Theo dõi chính sách hỗ trợ tài khóa trên toàn thế giới không phải là việc đơn giản, do đó công việc so sánh cũng gặp khó khăn. Một số nước như Nga thường không công bố số liệu chính thức, trong khi những nước khác như Mexico lại cung cấp quá ít thông tin nên khó ước tính qui mô gói viện trợ.

Trong tập dữ liệu của Bloomberg, các khoản viện trợ của ngân hàng trung ương không được tính. Hỗ trợ tài khóa thường rơi vào ba loại: viện trợ trực tiếp cho hệ thống y tế; hỗ trợ tiêu dùng, chẳng hạn như phát tiền mặt trực tiếp cho người dân; và tài trợ cho doanh nghiệp như giảm thuế, cho vay, bảo lãnh ngân hàng và trợ cấp lương.

Trong nhiều trường hợp, chính phủ các nước phân bổ lại các khoản chi tiêu ngân sách đã được dự toán trước đó, đồng thời bổ sung thêm các biện pháp mới.

Châu Á - Thái Bình Dương

Nhà kinh tế Chang Shu của Bloomberg Economics ước tính rằng cho đến nay, gói kích thích kinh tế của Trung Quốc "khá hạn chế", cụ thể đạt khoảng 3.000 tỉ nhân dân tệ (424 tỉ USD), tương đương 3% GDP nước này.

Các biện pháp hỗ trợ tài khóa của chính phủ Trung Quốc bao gồm đẩy nhanh thanh toán bảo hiểm thất nghiệp, hạ thuế giá trị giá tăng cho doanh nghiệp nhỏ và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ở phần còn lại của châu Á, các chính phủ đang cho thấy họ muốn ưu tiên kích thích tài khoá ngắn hạn hơn là lo ngại về vấn đề thâm hụt tài khóa dài hạn như thông thường. Mức hỗ trợ tài khóa của Nhật Bản đang tương đương hơn 20% GDP, trong khi Singapore, Hong Kong và Australia đều tung ra các gói chi tiêu tương đương 10% GDP trở lên. Còn chính phủ Indonesia đã điều chỉnh mức trần bội chi.

Ở Thái Lan, nơi ngành du lịch thường chiếm 1/5 nền kinh tế, các quan chức chính phủ đã triển khai một số gói viện trợ kết hợp giữa ngân hàng trung ương và cơ quan tài chính.

Châu Mỹ

Chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành ba đạo luật khác nhau, cam kết hỗ trợ hơn 2.300 tỉ USD để bù đắp thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế. Hiện tại, các nhà lập pháp sắp hoàn tất một thỏa thuận trị giá gần 500 tỉ USD để viện trợ thêm cho doanh nghiệp nhỏ và hệ thống y tế.

Theo Bloomberg, người dân Mỹ đã bắt đầu thấy tiền hỗ trợ chảy vào tài khoản ngân hàng, trong khi các doanh nghiệp nhỏ bày tỏ thái độ không hài lòng khi Chương trình Bảo vệ Tiền lương trị giá 349 tỉ USD của Cục Quản lí Doanh nghiệp Nhỏ (SBA) cạn tiền chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần.

Tuần trước, ông Trump tuyên bố rằng chính phủ Mỹ sẽ rút ra một phần (16 tỉ USD) trong các gói viện trợ đã được phê duyệt để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân cũng như bơm 3 tỉ USD khác vào chương trình mua thịt, sản phẩm từ sữa và các thực phẩm khác của chính phủ.

Ở khu vực Mỹ Latin, phản ứng của chính phủ các nước là không giống nhau. Các quan chức Argentina tập trung hơn vào việc đàm phán giảm nợ dài hạn, trong khi chính phủ Brazil đang bất đồng quan điểm về mối đe dọa của COVID-19.

Ở Mexico, ngay cả đồng minh của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador cũng cho biết ông quá dè dặt trong việc cung cấp viện trợ tài khóa.

Châu Âu

Đức đã cam kết hỗ trợ hơn 1.000 tỉ USD, khoảng một nửa trong số đó là dưới dạng bảo lãnh ngân hàng. Chính phủ Anh đã giành được một số lời khen ngợi cho các biện pháp kích thích kinh tế trị giá hơn 500 tỉ USD, trong đó bao gồm viện trợ cho người lao động tạm thời mất việc cũng như các nhóm người dễ bị ảnh hưởng khác.

Chính phủ Nga không công bố giá trị gói kích thích kinh tế, tuy nhiên các nhà phân tích tại ING Bank ước tính các gói giảm thuế, chi tiêu,..có thể đạt khoảng 3.000 tỉ rúp (tương đương 38,6 tỉ USD).

Trung Đông và châu Phi

Khi số ca xác nhận nhiễm bắt đầu tăng lên ở nam bán cầu, các cuộc thảo luận xoay quanh nhu cầu và khả năng hỗ trợ kinh tế của chính phủ các nước không tương đồng nhau.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed hôm 12/4 đã cảnh báo rằng các nền kinh tế châu Phi cần được giảm nợ khẩn cấp. Châu lục 1,3 tỉ dân này đang bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch và có nguy cơ gây ảnh hưởng cho thế giới về sau.

Tại Trung Đông, ngoài COVID-19, các nền kinh tế đang vật lộn với sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ. Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain nằm trong nhóm các nước cam kết triển khai gói viện trợ sớm.

Arab Saudi đã cam kết hỗ trợ kinh tế khoảng 79 tỉ riyal (tương đương 21 tỉ USD), theo ước tính của nhà kinh tế Ziad Daoud từ Bloomberg Economics.

Yên Khê

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.