Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 23/4: Singapore vượt mốc 10.000 ca nhiễm, Việt Nam tròn một tuần không có ca mới
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/4
Tính đến 7h sáng nay (23/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 2,6 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 184.041 người đã tử vong và 717.357 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Tròn một tuần không có ca nhiễm mới
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (23/4), Việt Nam không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 268, trong đó 223 người đã khỏi bệnh, còn 45 người đang điều trị tại 8 cơ sở y tế.
Như vậy, đến nay đã tròn 1 tuần, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới. Trong tổng số 268 ca bệnh, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%), 108 người lây nhiễm thứ phát.
Tính đến sáng nay, có 68.081 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 369 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 18.600 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 49.112 người. Số ca có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 3, lần 2 là 8.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, bắt đầu từ 0h sáng nay nới lỏng giãn cách xã hội, trừ những vùng nguy cơ cao như huyện Mê Linh, Thường Tín ở Hà Nội, thị trấn Đồng Văn ở Hà Giang. Theo đó, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ thiết yếu sẽ được phép hoạt động trở lại.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đang lên phương án vận chuyển hành khách kể từ hôm nay (23/4).
Trên thế giới: Italy vượt mốc hơn 25.000 ca tử vong
Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 848.717 ca nhiễm và 47.659 ca tử vong, tăng lần lượt 29.973 và 2.341 ca so với một ngày trước đó.
New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ với hơn 15.000 ca tử vong. Hiện nay, nhiều bang ở Mỹ đang áp dụng các lệnh phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau, tùy theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/4 cho biết các bang nước này sẽ nối lại hoạt động kinh tế một cách an toàn, ngay cả khi các chuyên gia y tế cảnh báo họ có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng virus thứ hai phức tạp hơn.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ cũng cảnh báo người Mỹ nên chuẩn bị cho đợt bùng phát thứ hai đầy thách thức hơn nếu nó bắt đầu đúng vào thời điểm cúm mùa.
Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19 khi chiếm tới 2/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Tại Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 209.389ca nhiễm và 21.717 ca tử vong, tăng lần lượt 4.211 và 435 ca trong vòng 24h qua.
Chính phủ Tây Ban Nha đang lên kế hoạch dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa do đại dịch Covid-19 trong nửa cuối tháng 5.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang có những diễn biến cho thấy dịch bệnh đã qua đỉnh điểm. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 3.370 ca nhiễm và 437 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 187.327 và 25.085 ca.
Chính phủ nước này đã công bố giai đoạn 2 nhằm ứng phó với dịch COVID-19, bắt đầu từ ngày 4/5. Theo đó, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, Chính phủ sẽ thông qua sắc lệnh mới về tình trạng khẩn cấp với gói hỗ trợ khoảng 50 tỉ euro.
Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 159.877 ca nhiễm và 21.340 ca tử vong, tăng lần lượt 1.827 và 544 ca so với một ngày trước đó. Lệnh phong tỏa toàn quốc tại quốc gia này sẽ kết thúc sau ngày 11/5.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 150.648 ca nhiễm và 5.315 ca tử vong; tăng lần lượt 2.195 và 229 ca so với một ngày trước đó.
Chính phủ nước này đã cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại, đồng thời tuyên bố sẽ bắt đầu thử nghiệm vắc xin trên người vào tuần tới.
Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 4.451 ca nhiễm COVID-19 và 763 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 133.495 và 18.100 ca. Hiện Anh vẫn đang áp dụng phong tỏa toàn quốc, khuyến cáo người dân ở nhà.
Trong vòng 24h qua, Nga ghi nhận thêm 5.236 ca mắc và 57 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 57.999 và 513 ca.
Tại Châu Á, Iran hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 85.996 ca nhiễm và 5.391 ca tử vong, tăng lần lượt 1.194 và 94 ca so với một ngày trước đó.
Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.788 trường hợp nhiễm COVID-19 và 4.632 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Singapore hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 10.141 ca nhiễm và 12 ca tử vong. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Singapore ghi nhận mỗi ngày trên 1.000 ca nhiễm mới, trong đó phần lớn xuất phát từ các khu nhà ở của lao động nước ngoài.
Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong tại quốc gia này rất thấp, chỉ 0.1%. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách li xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6, mặc dù thời hạn cách li xã hội còn 2 tuần nữa mới chấm dứt.
Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 7.418 ca nhiễm và 635 ca tử vong (cao nhất khu vực); tăng lần lượt 283 và 19 ca so với một ngày trước đó.
Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 6.710 ca nhiễm và 446 ca tử vong, tăng lần lượt 111 và 9 ca so với một ngày trước đó.
Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 5.532ca nhiễm và 93 ca tử vong, tăng lần lượt 50 và 1 ca. Tốc độ tăng số ca tử vong tại quốc gia này đã chậm lại đáng kể so với thời điểm dịch xuất hiện.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 15 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên và tử vong lên 2.826, trong đó có 49 ca tử vong. Chính phủ Thái Lan ngày 21/4 đã thông qua việc tự động gia hạn thị thực cho người nước ngoài thêm 3 tháng nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.