|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 22/6: Thế giới vượt hơn 9 triệu ca nhiễm, Tây Ban Nha chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp

07:52 | 22/06/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có hơn 9 triệu ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, 67 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tây Ban Nha tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp sau ba tháng áp dụng để chống dịch COVID-19.

67 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 23/6

Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 67 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Như vậy, tính đến 6h ngày 22/6, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 349 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, có tổng cộng 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 6.519, trong đó cách li tập trung tại bệnh viện là 74, cách li tập trung tại cơ sở khác là 5.653, cách li tại nhà, nơi lưu trú là 792. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 22/6: - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 327/349 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 93,7% tổng số ca bệnh.

22 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Tính đến sáng ngày 22/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có hai bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2; 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 16 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, dự kiến đầu tuần này Tiểu ban điều trị sẽ tổ chức hội chẩn quốc gia trước khi chuyển bệnh nhân sang khu vực phục hồi chức năng, bên cạnh các thủ tục đưa bệnh nhân về quê.

Cũng liên quan đến bệnh nhân này được biết, nhà cung cấp bảo hiểm cho bệnh nhân đã gửi xác nhận chuyển khoản đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, chi trả toàn bộ viện phí của bệnh nhân này giai đoạn điều trị tại bệnh viện (từ 18/3 đến 22/5), với tổng viện phí là 3,5 tỉ đồng.

Thế giới vượt 9 triệu ca nhiễm COVID-19, Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng khẩn cấp

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 22/6, toàn thế giới có tổng cộng 9.033.423 ca mắc COVID-19, trong đó có 469.539 người tử vong và 4.796.049 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 2.355.664 ca nhiễm và 122.243 ca tử vong, tăng lần lượt 25.086 và 263 ca trong 24 giờ qua.

Các ca mắc mới trên khắp nước Mỹ đang tăng nhanh hơn bao giờ hết, đặc biệt tại các bang ở khu vực phía Nam, phía Tây và trung Tây. 

Theo nguồn tin từ AP, trước công tác xét nghiệm COVID-19 "quá năng suất" khiến cho số lượng ca nhiễm tăng chóng mặt, ngày 20/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu chính quyền giảm công tác xét nghiệm để tránh số lượng số ca nhiễm tăng cao.

Vơi số ca mắc COVID-19 ở Brazil đã vượt quá 1 triệu ca, cụ thể là 1.085.038 ca sau khi ghi nhận thêm 14.899 ca trong 24 giờ qua, đã khiến quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.

Brazil hiện cũng đang mở cửa trở lại để tái khởi động nền kinh tế, tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội quá sớm sẽ khiến gia tăng số ca nhiễm mới và tỉ lệ tử vong.

Nga - vùng dịch lớn thứ ba thế giới báo cáo thêm 109 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.111. Số ca nhiễm tăng thêm 7.728, lên tổng số 584.680 ca. Nước này bắt đầu nới phong tỏa từ 12/5 và các địa phương áp dụng cách chống dịch khác nhau.

Anh hiện vẫn là vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới và là vùng dịch chết chóc nhất tại châu Âu. Quốc gia này báo cáo thêm 1.221 ca nhiễm và 43 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 304.331 và 42.632. 

Giới chức Anh đã giảm cấp cảnh báo Covid-19, từ "đại dịch có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đang tăng theo cấp số nhân" xuống "dịch đang lây lan". Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng. 

Cũng tại châu Âu, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 334 ca nhiễm và một ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 293.352 và 28.323. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 22/6: Thế giới vượt hơn 9 triệu ca nhiễm, Tây Ban Nha chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp - Ảnh 2.

Biên giới Tây Ban Nha - Pháp trong ngày 21/6. (Ảnh: AFP).

Theo nguồn tin từ AFP, bắt đầu từ 21/6, Tây Ban Nha tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp sau ba tháng áp dụng để chống dịch COVID-19.

Tây Ban Nha cho phép người nước ngoài từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không cần cách li hai tuần. Bồ Đào Nha là ngoại lệ duy nhất khi quyết định tiếp tục đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha tới 1/7.

Tại khu vực châu Á, Ấn Độ vẫn là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 426.910 ca nhiễm và 13.703 ca tử vong, tăng lần lượt 15.183 và 426 ca trong 24 giờ qua. 

Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các căn bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lí dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, tổng số ca mắc COVID-19 là 83.378 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 26 ca nhiễm mới, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Thủ đô Bắc Kinh hiện là vùng dịch nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ đầu tháng 2. Chỉ vài ngày sau ca nhiễm đầu tiên, thành phố nâng trở lại mức cảnh báo lên cấp hai, mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp, đồng thời áp đặt lại nhiều hạn chế với người dân.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Bắc Kinh, gần 2,3 triệu người trong thành phố này đã được xét nghiệm axit nucleic trong tuần qua. Đặc biệt, ưu tiên xét nghiệm cho các nhân viên nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, chợ, và các đơn vị phân phối đồ ăn. 

Tại Hàn Quốc, theo nguồn tin từ Yonhap, cơ quan Quản lí và phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tăng thêm 48 ca lên 12.421 ca. Với số ca nhiễm mới tăng cao, dấy lên lo ngại về "làn sóng thứ hai". 


Mai Anh