Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 21/6: Hơn 8,9 triệu ca nhiễm toàn cầu, Bắc Kinh xét nghiệm toàn bộ nhân viên giao hàng
66 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 22/6
Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến hôm nay đã 66 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng, chỉ còn hơn 5.000 người cách ly chống dịch.
Như vậy, tính đến 6h ngày 21/6, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 349 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, có tổng cộng 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 5.724, trong đó cách li tập trung tại bệnh viện là 95, cách li tập trung tại cơ sở khác là 5.347, cách li tại nhà, nơi lưu trú là 282.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 327/349 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 93,7% tổng số ca bệnh..
22 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Tính đến sáng ngày 21/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 2 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 16 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sức khoẻ của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kì diệu.
Bệnh nhân đã cai hoàn toàn máy thở tưc ngày hôm qua, tự thở khí phòng 24/24h. Đề xuất về chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy, có thể cho bệnh nhân xuất khoa, ra khỏi khu vực hồi sức cấp cứu, chuyển phục hồi chức năng để tiếp tục hồi phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Đánh giá sơ bộ cho thấy, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, giao tiếp tốt bằng lời nói, sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy.
Về chức năng tiêu hoá, bệnh nhân tự ăn uống qua miệng. Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường.
Mặc dù có những biến chuyển tích cực như vậy, song các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân còn cần thêm thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình hồi phục vẫn có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Hơn 8,9 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, Bắc Kinh xét nghiệm toàn bộ nhân viên giao hàng
Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 21/6, toàn thế giới có tổng cộng 8.905.705 ca mắc COVID-19, trong đó có 466.231 người tử vong và 4.727.830 bệnh nhân phục hồi.
Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 2.329.593 ca nhiễm và 121.960 ca tử vong, tăng lần lượt 32.403 và 553 ca trong 24 giờ qua.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này có thể tăng thêm 26.000 ca trong vài tuần tới.
Dự báo này được tổng hợp trên cơ sở 21 dự báo đơn lẻ trên khắp nước Mỹ với số ca tử vong dao động từ 129.000 tới 145.000.
Giới chuyên gia đang lo ngại kế hoạch tổ chức vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump, cùng làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc, có nguy cơ khiến tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn.
Vơi số ca mắc COVID-19 ở Brazil đã vượt quá 1 triệu ca, cụ thể là 1.070.139 ca sau khi ghi nhận thêm 31.571 ca trong 24 giờ qua, đã khiến quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.
Brazil hiện cũng đang mở cửa trở lại để tái khởi động nền kinh tế, tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội quá sớm sẽ khiến gia tăng số ca nhiễm mới và tỉ lệ tử vong.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 161 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.002. Số ca nhiễm tăng thêm 7.889, lên 576.952.
Nước này bắt đầu nới phong tỏa từ 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau. Người dân Moskva từ ngày 9/6 được phép tự do ra ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Anh báo cáo thêm 1.295 ca nhiễm và 128 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 303.110 và 42.589. Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng.
Tại khu vực châu Á, Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 411.727 ca nhiễm và 13.277 ca tử vong, tăng lần lượt 15.915 và 307 ca sau 24 giờ.
Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các căn bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lí dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.
Theo nguồn tin từ Reuters, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định biên giới đã an toàn và sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng gần vùng tranh chấp với Trung Quốc.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, tổng số ca mắc COVID-19 là 83.352 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 27 ca nhiễm mới, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) sau nhiều ngày bùng dịch đã ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 liên quan đến các ổ dịch mới tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lên hơn 200.
Theo nguồn tin từ Reutres, giới chức y tế Bắc Kinh triển khai mở rộng xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ nhân viên giao thực phẩm và bưu kiện nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh qua đường vận chuyển hàng hóa.
Giới chức Bắc Kinh cho biết thành phố đã thực hiện hơn 2,3 triệu lượt xét nghiệm, 40 khu dân cư bị phong tỏa và dân chúng tại đó được yêu cầu tự cách li tại nhà. Những người không tuân thủ sẽ phải đi cách li tập trung 14 ngày, sau đó phải xét nghiệm nCoV và chỉ được về nhà nếu kết quả âm tính.
Thủ đô Bắc Kinh hiện là vùng dịch nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ đầu tháng 2. Chỉ vài ngày sau ca nhiễm đầu tiên, thành phố nâng trở lại mức cảnh báo lên cấp hai, mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp, đồng thời áp đặt lại nhiều hạn chế với người dân.
Nhà dịch tễ học trưởng của CDC Trung Quốc Ngô Tôn Hữu cảnh báo rằng "các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch chưa thể nới lỏng tại Bắc Kinh".
Ông Ngô cho biết, nếu các biện pháp phòng ngừa và kiếm soát được nới lỏng, nó có thể khiến dịch tiếp tục lây lan.