|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 19/6: Thế giới vượt 8,5 triệu ca nhiễm, Bắc Kinh gấp rút xét nghiệm COVID-19

07:50 | 19/06/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có hơn 8,5 triệu ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, 64 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Với ổ dịch mới tại chợ đầu mối Tân Phát Địa, Bắc Kinh (Trung Quốc) đang gấp rút xét nghiệm diện rộng và thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn dịch bùng phát mạnh lần hai.

64 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 20/6

Bản tin lúc 6h ngày 19/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến nay Việt Nam đã trải qua 64 ngày không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng. Tổng số ca mắc bệnh tại Việt Nam tính đến 6h ngày 19/6 là 342 người. 

Tính đến 6h ngày 19/6, Việt Nam có tổng cộng 202 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 6.176, trong đó cách li tập trung tại bệnh viện là 89, cách li tập trung tại cơ sở khác là 5.734 và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 353. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 19/6: Thế giới vượt 8,5 triệu ca nhiễm, Bắc Kinh gấp rút xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 325/342 bệnh nhân (chiếm 95% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam). 

17 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 8 cơ sở y tế (cơ sở điều trị nhiều nhất hiện nay là bệnh viện Bà Rịa), đa số bệnh nhân có sức khỏe ổn định.

Tính đến sáng ngày 19/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 13 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sức khoẻ của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kì diệu.

Bệnh nhân phi công tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, tiếp tục tập đứng với sự trợ giúp của nhân viên y tế. Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng, chỉ cần dùng thuốc kháng nấm, giảm đau và kháng đông dự phòng huyết khối.

Hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.Với những thông số này, bệnh nhân không cần phải ghép phổi. 

Tiểu ban điều trị đánh giá bệnh nhân còn cần thêm ít thời gian nữa để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động.

Hơn 8,5 triệu ca mắc trên toàn cầu, Bắc Kinh gấp rút xét nghiệm COVID-19

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 19/6, toàn thế giới có tổng cộng 8.565.554 ca mắc COVID-19, trong đó có 455.487 người tử vong và 4.507.785 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới ghi nhận thêm 25.905 ca nhiễm mới và 680 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 và ca tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 2.261.632 và 120.621. 

Vài tuần sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế, một số bang của Mỹ ghi nhận số người nhập viện vì COVID-19 cao chưa từng thấy. 

Giới chuyên gia đang lo ngại kế hoạch tổ chức vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump, cùng làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc, có nguy cơ khiến tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn.

Brazil vẫn là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở Nam Bán cầu, và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 23.050 ca nhiễm và 1.204 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở Brazil lên lần lượt là 983.359 và 47.869. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 19/6: Thế giới vượt 8,5 triệu ca nhiễm, Bắc Kinh gấp rút xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 2.

Phòng chăm sóc tích cực bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Manaus, Brazil, ngày 20/5. (Ảnh: Reuters).

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 182 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 7.660. Số ca nhiễm tăng thêm 7.790, lên 561.091. 

Nước này bắt đầu nới phong tỏa từ ngày 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau. Cuộc sống đang dần chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Tổng thống Vladimir Putin cho rằng Nga xử lí khủng hoảng tốt hơn Mỹ, bởi giới chức liên bang và cấp vùng ở nước này đã phối hợp ăn ý với nhau, không có bất đồng giống như Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình tỏ ra hoài nghi số liệu Nga công bố.

Anh hiện là vẫn vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới và vùng chết chóc nhất châu Âu. Quốc gia này báo cáo thêm 1.218 ca nhiễm và 135 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 300.469 và 42.288. Anh đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng. 

Tại khu vực châu Á, Ấn Độ ghi nhận 381.091 ca nhiễm và 12.604 ca tử vong, tăng lần lượt 13.827 và 342. Quốc gia này hiện là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới về số ca mắc.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, tổng số ca mắc COVID-19 là 83.293 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 23 ca nhiễm mới, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), sau nhiều ngày bùng phát dịch, tổng số ca nhiễm COVID-19 liên quan đến các ổ dịch mới tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lên tới 158 ca. Hiện Bắc Kinh đang là vùng dịch nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ đầu tháng 2.

Trưởng ban quản lí chợ cho biết nCoV được tìm thấy trên thớt của một người bán cá hồi, song giới chuyên gia chưa thể xác định virus từ người lây sang cá hay do cá bị nhiễm sẵn.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 19/6: Thế giới vượt 8,5 triệu ca nhiễm, Bắc Kinh gấp rút xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 3.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ hỗ trợ người dân đăng kí xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Bắc Kinh hôm 17/6. (Ảnh: AP).

Ngày 17/6, theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Ngư nghiệp và Hải sản Na Uy Odd Emil Ingebrigtsen cho biết, nước này Trung Quốc đã kết luận, nguồn lây nhiễm tại Bắc Kinh không xuất phát từ mặt hàng cá xuất khẩu của Na Uy. 

Bộ trưởng Ingebrigtsen nêu rõ, chính quyền hai nước đã xóa bỏ mọi nghi ngờ liên quan đến sản phẩm này và nối lại xuất khẩu cá hồi sang Trung Quốc.

Cũng theo hãng tin Reuters, nhà dịch tễ học Ngô Tôn Hữu khẳng định Bắc Kinh đã kiểm soát được cụm dịch mới, dù ca nhiễm lẻ tẻ sẽ xuất hiện trong thời gian tới.

Với số ca nhiễm mới vẫn tăng đều, thành phố Bắc Kinh đã nâng trở lại mức cảnh báo lên cấp hai, mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp, đồng thời áp đặt lại nhiều hạn chế với người dân.

Giới chức y tế Bắc Kinh xác định hơn 350.000 người cần xét nghiệm COVID-19 và đang gấp rút lấy mẫu xét nghiệm để ngăn chặn dịch bùng phát mạnh lần hai. 

Mai Anh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.