|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/6: Số ca nhiễm toàn cầu vượt 8,3 triệu, châu Á báo động làn sóng thứ hai

07:40 | 18/06/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có hơn 8,3 triệu người mắc COVID-19. 63 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, châu Á báo động làn sóng dịch bệnh thứ hai khi thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) và Hàn Quốc ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới.

63 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 19/6

Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 ngày 18/6 cho biết, đã 63 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng, theo Sức khoẻ & Đời sống.

Tính đến 6h ngày 18/6, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới. Như vậy, Việt Nam hiện vẫn ghi nhận 335 người nhiễm COVID-19

Tính đến 6h ngày 18/6, Việt Nam có tổng cộng 195 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 6.285, trong đó cách li tập trung tại bệnh viện là 93, cách li tập trung tại cơ sở khác ;à 5.775, cách li tại nhà, nơi lưu trú là 417. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/6: Vượt hơn 8,3 triệu ca nhiễm toàn cầu, 63 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, châu Á báo động làn sóng thứ hai - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 325/335 bệnh nhân (chiếm 97% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi (hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy).

10 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 8 cơ sở y tế (cơ sở điều trị nhiều nhất hiện có 2 bệnh nhân), đa số có sức khỏe ổn định.

Tính đến sáng ngày 18/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 6 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Liên quan đến bệnh nhân 91, nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sức khoẻ của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kì diệu.

Hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.

Với những thông số này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng bệnh nhân không cần phải ghép phổi. 

BS Trần Thanh Linh (Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, sau 3 tháng nằm viện, trong đó 86 ngày thở máy, 56 ngày ECMO, bệnh nhân đã nở nụ cười đầu tiên. Sức khỏe của bệnh nhân đang hồi phục tốt nhưng vẫn cần thêm thời gian để phục hồi.

Thế giới vượt hơn 8,3 triệu ca nhiễm COVID-19, châu Á báo động làn sóng thứ hai

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 18/6, toàn thế giới có tổng cộng 8.389.614 ca mắc COVID-19, trong đó có 450.398 người tử vong và 4.378.712 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới khi ghi nhận thêm 24.830 ca nhiễm mới và 798 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 và ca tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 2.233.230 và 119.930.

Số ca mắc mới đạt mức cao kỉ lục tại 6 bang của Mỹ gồm Arizona, Florida, Oklahoma, Oregon và Texas trong ngày 16/6, đánh dấu đợt gia tăng trong tuần thứ hai liên tiếp khi hầu hết các bang mở cửa lại nền kinh tế.

Brazil, ổ dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận thêm 31.475 ca nhiễm và 1.209 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 960.309 và 46.665.

Theo nguồn tin từ AFP, các chuyên gia cho biết hạn chế xét nghiệm ở đất nước này đồng nghĩa rằng số ca nhiễm và tử vong thực tế ở Brazil còn cao hơn rất nhiều. Quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Mỹ đã tiếp tục lên tiếng cảnh báo tình hình dịch ở Brazi. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/6: Vượt hơn 8,3 triệu ca nhiễm toàn cầu, 63 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, châu Á báo động làn sóng thứ hai - Ảnh 2.

Nhân viên y tế Brazil điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở thành phố Marica, bang Rio de Janeiro. (Ảnh: AFP).

Nga hiện ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 là 553.301 trường hợp, trong đó có 7.478 trường hợp tử vong. Mặc dù có số ca nhiễm cao thứ ba trên thế giới nhưng tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại Nga lại thấp hơn nhiều quốc gia khác.

Hiện nay, nhiều thành phố của Nga đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong phòng chống COVID-19 theo các cấp độ khác nhau. Cuộc sống đang dần chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Anh hiện vẫn là ổ dịch lớn thứ 5 thế giới với số ca tử vong cao nhất châu Âu khi ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 299.251 và 42.153 ca. Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng. 

Ổ dịch lớn nhất châu Á hiện vẫn là Ấn Độ khi ghi nhận thêm 13.103 ca mắc và 341 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 của Ấn Độ là 367.264, trong đó có 12.262 ca tử vong. Ấn Độ hiện là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới về số ca mắc.

Trong khi đó, tại Trung Quốc ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 83.265 và 4.634 khi ghi nhận thêm 44 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Nhiều khu vực tại quốc gia này đang xuất hiện những ổ dịch mới rất đáng lo ngại, đặc biệt là ở thủ đô Bắc Kinh.

Theo nguồn tin từ Reuters, Bắc Kinh đóng cửa trở lại toàn bộ trường học và hủy hơn 1.200 chuyến bay khi thành phố ghi nhận 137 ca nhiễm liên quan đến chợ Tân Phát Địa.

Trước đó, giới chức nâng mức báo động lên cấp hai, cấp cao thứ hai trong hệ thống phản ứng khẩn cấp COVID-19 gồm 4 cấp. Thủ đô Trung Quốc vừa mới hạ cảnh báo từ mức hai xuống mức ba 10 ngày trước đó. 

Theo các hạn chế cấp hai, đường và đường cao tốc vẫn mở, các công ty và nhà máy tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, sự di chuyển của người dân trong và ngoài thành phố được kiểm soát chặt chẽ. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/6: Vượt hơn 8,3 triệu ca nhiễm toàn cầu, 63 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, châu Á báo động làn sóng thứ hai - Ảnh 3.

Vận chuyển thực phẩm gần khu dân cư bị phong tỏa ở thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters).

Tại khu vực có nguy cơ cao, người dân bị cách li với bên ngoài và được xét nghiệm. Tại 27 khu phố được chỉ định là khu vực có rủi ro trung bình, người dân phải kiểm tra thân nhiệt và xét nghiệm.

Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh, do Tân Phát Địa là chợ đầu mối lớn nhất thành phố này, nên trong thời gian tới các ca COVID-19 tại đây vẫn sẽ tiếp tục tăng cao. 

Theo tờ Yonhap, số ca mắc mới tại Hàn Quốc đã tăng trở lại. Theo báo cáo của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nước này vừa có thêm 43 trường hợp mắc COVID-19 (tăng 9 ca so với một ngày trước đó), trong đó có 31 trường hợp lây nhiễm nội địa. 

Trong số các trường hợp lây nhiễm tại địa phương, có 25 ca ghi nhận tại Thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi. Hiện tổng số ca mắc bệnh lên con số 12.198 và ghi nhận tổng cộng 279 ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc. 

Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, do đây là lần đầu tiên trong hơn một tháng qua nước này ghi nhận các trường hợp lây nhiễm ở Thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

Đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 1.200.000 người. Quốc gia này đã gần như kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh trên qui mô toàn quốc. 

Tuy nhiên, một loạt ổ lây nhiễm mới liên quan đến các cuộc tụ họp tôn giáo, khu vui chơi giải trí về đêm và một công ty bán hàng ở khu vực Seoul và vùng phụ cận xuất hiện đã khiến số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại.

Mai Anh