|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 20/6: Thế giới vượt hơn 8,7 triệu ca nhiễm, một số địa phương châu Âu tái áp dụng các biện pháp phong tỏa

07:16 | 20/06/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có hơn 8,7 triệu ca nhiễm COVID-19. Nhiều nơi tình hình dịch bệnh đã "nóng" trở lại, một số địa phương châu Âu tái áp dụng các biện pháp phong tỏa. Trong khi đó, 65 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

65 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 21/6

Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 ngày 20/6 cho biết, đã 65 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 20/6, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 349 ca nhiễm COVID-19. 

Trước đó, bản tin lúc 18h ngày 19/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã phát hiện 7 trường hợp mắc COVID-19 là người trở về từ Châu Âu (Thụy Điển, Phần Lan), được cách li ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 20/6: Thế giới vượt hơn 8,7 triệu ca nhiễm, một số địa phương châu Âu tái áp dụng các biện pháp phong tỏa - Ảnh 1.

Tính đến 6h ngày 20/6, Việt Nam có tổng cộng 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 10.500, trong đó cách li tập trung tại bệnh viện là 162, cách li tập trung tại cơ sở khác là 9.387, cách li tại nhà, nơi lưu trú là 951. 

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến thời điểm này đã có 326/349 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 93,4% tổng số ca bệnh.

Tính đến sáng ngày 20/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 13 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sức khoẻ của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kì diệu.

Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 92 ngày điều trị, là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta. 

Bệnh nhân cai thở máy ngày thứ 8, đã ngưng hỗ trợ hoàn toàn oxy vào ban ngày, thở oxy hỗ trợ 0,5 lít một phút vào ban đêm. So với hôm qua, anh tỉnh táo, giao tiếp bình thường, sức cơ hai tay hồi phục hơn, có thể chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy. Sức cơ hai chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được.

Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường. Kết quả chụp CT gần nhất của bệnh nhân, thể tích phổi bình thường gần 90%.

Với tiến triển này, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đang điều trị cho bệnh nhân, cho biết bệnh nhân chỉ cần thêm một chút thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động.

Thế giới vượt hơn 8,7 triệu ca nhiễm COVID-19, một số địa phương châu Âu tái áp dụng các biện pháp phong tỏa

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 20/6, toàn thế giới có tổng cộng 8.746.077 ca mắc COVID-19, trong đó có 461.768 người tử vong và 4.619.506 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới ghi nhận thêm 31.808 ca nhiễm mới và 704 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 và ca tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 2.295.459 và 121.392. 

Mỹ đối mặt nguy cơ tái bùng phát dịch khi trong những ngày qua, số ca nhiễm mới có dấu hiệu tăng trở lại. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 20/6: Thế giới vượt hơn 8,7 triệu ca nhiễm, một số địa phương châu Âu tái áp dụng các biện pháp phong tỏa - Ảnh 2.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ. (Ảnh: New York Times)

Giới chuyên gia đang lo ngại kế hoạch tổ chức vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump, cùng làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc, có nguy cơ khiến tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn.

Brazil vẫn là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 55.209 ca nhiễm và 1.221 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở Brazil lên lần lượt là 1.038.568 và 49.090. 

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận tổng số người chết và số ca nhiễm bệnh lần lượt là 7.841 và 569.063. 

Nước này bắt đầu nới phong tỏa từ 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau. Người dân Moskva từ ngày 9/6 được phép tự do ra ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Anh hiện là vẫn vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới và vùng chết chóc nhất châu Âu. Quốc gia này báo cáo thêm 1.346 ca nhiễm và 173 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 301.815 và 42.461.

Giới chức Anh đã giảm một cấp cảnh báo Covid-19, từ "đại dịch có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đang tăng theo cấp số nhân" xuống "dịch đang lây lan". Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng.

Một số địa phương tại châu Âu phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa sau khi dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại. Quận Gutersloh, bang Nordrhein-Westfalen của Ðức, phát hiện ổ dịch mới và phải đóng cửa các trường học để bảo đảm an toàn. 

Ở phía Bắc Hy Lạp, làng Echinos tại Xanthi cũng bị cách li nghiêm ngặt trong 7 ngày khi ghi nhận thêm 73 ca nhiễm mới. Nguy cơ bùng phát dịch trở lại đang là mối lo ngại đối với chính phủ Hy Lạp khi mà chỉ còn vài ngày nữa là tới mùa du lịch.

Tại Slovenia, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát COVID-19 thuộc Bộ Y tế đã yêu cầu việc kiểm soát chặt chẽ tại các đường biên giới cần phải thực hiện ngay lập tức sau khi các ca nhiễm mới lại gia tăng tại nước ngoài.

Tại khu vực châu Á, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục, với 14.721 trường hợp mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 395.812, trong đó, có 12.970 người tử vong.

Theo nguồn tin từ Reuters, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định biên giới đã an toàn và sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng gần vùng tranh chấp với Trung Quốc.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, tổng số ca mắc COVID-19 là 83.325 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 32 ca nhiễm mới, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), sau nhiều ngày bùng phát dịch, tổng số ca nhiễm COVID-19 liên quan đến các ổ dịch mới tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lên tới 183 ca.

Thủ đô Bắc Kinh hiện là vùng dịch nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ đầu tháng 2. Chỉ vài ngày sau ca nhiễm đầu tiên, thành phố nâng trở lại mức cảnh báo lên cấp hai, mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp, đồng thời áp đặt lại nhiều hạn chế với người dân.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 20/6: Thế giới vượt hơn 8,7 triệu ca nhiễm, một số địa phương châu Âu tái áp dụng các biện pháp phong tỏa - Ảnh 3.

Nhân viên an ninh đo thân nhiệt người dân Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù Bắc Kinh đã phủ nhận phong tỏa thành phố và chuyên gia khẳng định dịch đã được kiểm soát, nhưng riêng lại tiếp tục hủy nhiều lượt chuyến bay đi và đến Bắc Kinh. Toàn bộ các tuyến xe khách liên tỉnh xuất phát từ thủ đô Bắc Kinh cũng ngừng hoạt động từ 19/6.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng đã quyết định ngừng mọi sự kiện thể thao, đóng cửa các phòng tập gym, các trường học. Nhiều thành phố đã áp dụng cách li bắt buộc đối với người từ Bắc Kinh.



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Mai Anh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.