|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thông qua Nghị quyết tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, cấp quận và phường không có HĐND

18:09 | 19/06/2020
Chia sẻ
Theo Nghị quyết tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng vừa được Quốc hội thông qua vào chiều nay, 19/6, tại TP này, chính quyền địa phương cấp quận và phường chỉ có UBND, không có HĐND.

Hôm nay, 19/6, với 445/451 đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Thông qua Nghị quyết tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, cấp quận và phường không có HĐND - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia biểu quyết. (Ảnh: quochoi.vn).

Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng, Nghị quyết quyết nghị việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng như sau: Chính quyền địa phương ở TP Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND TP và UBND TP

Chính quyền địa phương ở các quận thuộc TP Đà Nẵng là UBND quận. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại TP Đà Nẵng là UBND phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP Đà Nẵng được thực hiện theo qui định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Như vậy, chính quyền địa phương cấp quận và phường chỉ có UBND, không có HĐND.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh dự thảo Nghị quyết trước khi thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND.

Về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương.

"Để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị lưỡng, thận trọng. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép chưa qui định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết", ông Tùng nói.

Cũng theo Nghị quyết này, HĐND TP Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn qui định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, qui định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn  như quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của chính quyền địa phương cấp dưới; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. 

HĐND TP Đà Nẵng cũng sẽ có quyền quyết định kế hoạch phát triển KT-XH dài hạn, trung hạn và hằng năm của TP , trong đó bao gồm kế hoạch phát triển KT-XH trung hạn và hằng năm của quận và kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm của phường. 

Thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quận, phường. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND TP ở quận, phường; giám sát hoạt động của UBND quận, phường, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận… cũng là một trong số những quyền của HĐND TP này.

Minh Anh