|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 23/6: Gần 9,2 triệu ca nhiễm toàn cầu, Đức xuất hiện một điểm nóng mới về dịch

07:31 | 23/06/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có hơn 9,2 triệu ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, 94% bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi bệnh. Đức xuất hiện một điểm nóng mới về dịch bệnh.

94% bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi bệnh

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/6

Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 68 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Như vậy, tính đến 6h ngày 23/6, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 349 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, có tổng cộng 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 7.157 người.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 23/6: Gần 9,2 triệu ca nhiễm toàn cầu, Đức xuất hiện một điểm nóng mới về dịch - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 328/349 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94% tổng số ca bệnh.

21 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Tính đến sáng ngày 23/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2;3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 15 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Liên quan đến BN91 - phi công người Anh đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, hiện sức khỏe bệnh nhân tri giác tỉnh hoàn toàn, sức cơ hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ hai chân, phổi cải thiện trên 85%, đã ngưng oxy, thở khí phòng.

Bệnh nhân đã tự ăn uống trên giường bệnh.Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng để đảo có thể đi lại an toàn khi  di chuyển.

Tại cuộc hội chẩn quốc gia lần thứ 5 về tình hình sức khỏe bệnh nhân 91- nam phi công đã diễn ra chiều hôm qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, việc đưa bệnh nhân nam phi công về nước chỉ thực hiện khi đảm bảo đủ các yêu cầu an toàn người bệnh.

Gần 9,2 triệu ca nhiễm toàn cầu, Đức xuất hiện một điểm nóng mới về dịch COVID-19

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 23/6, toàn thế giới có tổng cộng 9.176.722 ca mắc COVID-19, trong đó có 473.421 người tử vong và 4.903.995 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 2.387.077 ca nhiễm và 122.569 ca tử vong, tăng lần lượt 30.420 và 349 ca trong 24 giờ qua.

Theo nguồn tin từ AFP, giới chức ở các bang miền nam nước Mỹ đang lo ngại về tình trạng ngày càng có nhiều người trẻ dương tính với COVID-19. Sự thay đổi này được ghi nhận tại các bang như Florida, Nam Carolina, Georgia, Texas cùng nhiều bang khác. 

Một số quan chức lí giải nguyên nhân xuất hiện các ca nhiễm mới là do người dân không tuân thủ giãn cách xã hội.

Cũng theo nguồn tin từ AP, trước công tác xét nghiệm COVID-19 "quá năng suất" khiến cho số lượng ca nhiễm tăng chóng mặt, ngày 20/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu chính quyền giảm công tác xét nghiệm để tránh số lượng số ca nhiễm tăng cao.

Với số ca mắc COVID-19 ở Brazil đã vượt quá 1 triệu ca, cụ thể là 1.111.348 ca sau khi ghi nhận thêm 24.358 ca trong 24 giờ qua, đã khiến quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.

Nga - vùng dịch lớn thứ ba thế giới báo cáo thêm 95 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.206. Số ca nhiễm tăng thêm 7.600 lên tổng số 592.280 ca. Nước này bắt đầu nới phong tỏa từ 12/5 và các địa phương áp dụng cách chống dịch khác nhau.

Ổ dịch lớn nhất châu Á - Ấn Độ, ghi nhận thêm 13.540 ca mắc và 312 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ là 440.450, trong đó có 14.015 ca tử vong. Hiện Ấn Độ vẫn là vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới. 

Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các căn bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lí dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Anh ghi nhận thêm 958 ca mắc và 15 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 305.289 trường hợp, trong đó có 42.647 ca tử vong. 

Với số ca nhiễm và tử vong có chiều hướng giảm dần, giới chức Anh đã giảm cấp cảnh báo Covid-19, từ "đại dịch có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đang tăng theo cấp số nhân" xuống "dịch đang lây lan". Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng.

Anh vẫn là nước có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều nhất châu Âu và là vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới.

Đức hiện đang xuất hiện một điểm nóng mới về dịch bệnh. Hơn 1.000 ca nhiễm được xác nhận tại nhà máy thuộc hãng sản xuất thịt lớn nhất Đức, khiến toàn bộ 6.500 công nhân phải cách li. 

Theo nguồn tin từ AP, sự bùng phát dịch tại nhà máy được công bố ngày 17/6 và Rheda-Wiedenbruck bị đóng cửa trong 14 ngày kể từ đó. 

Quan chức địa phương Sven-Georg Adenauer nói tại một cuộc họp báo hôm 20/6 rằng không có "sự xuất hiện đáng kể của COVID-19" vào cộng đồng. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 23/6: Gần 9,2 triệu ca nhiễm toàn cầu, Đức xuất hiện một điểm nóng mới về dịch - Ảnh 2.

Nhà máy sản xuất thịt ở nước Đức phát hiện hơn 1.000 ca nhiễm mới. (Ảnh: DPA).

Tính đến ngày 21/6, hơn 3.000 công nhân đã được xét nghiệm. Đức hiện ghi nhận tống số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 192.074 và 8.969. 

Cùng với Bỉ, Pháp và Hy Lạp, Đức đã mở cửa biên giới cho các quốc gia trong khối EU từ 15/6. Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến 29/6.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, tổng số ca mắc COVID-19 là 83.396 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 18 ca nhiễm mới, giảm hơn so với hôm qua (cụ thể 26 ca), trong đó có 4.634 ca tử vong.

Sau hơn chục ngày tái bùng phát dịch trong cộng đồng, Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bắt đầu có dấu hiệu giảm, song nguyên nhân gây ra dịch bệnh vẫn là một ẩn số.

Thủ đô Bắc Kinh hiện là vùng dịch nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ đầu tháng 2. Chỉ vài ngày sau ca nhiễm đầu tiên, thành phố nâng trở lại mức cảnh báo lên cấp hai, mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp, đồng thời áp đặt lại nhiều hạn chế với người dân.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lan rộng trong cộng đồng, những ngày qua, Bắc Kinh tập trung mở rộng diện xét nghiệm axit nucleic. Đặc biệt, ưu tiên xét nghiệm cho các nhân viên nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, chợ, và các đơn vị phân phối đồ ăn.

Tại Hàn Quốc, theo nguồn tin của Yonhap, ngày 22/6, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) xác nhận, nước này đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai và kêu gọi nâng cao cảnh giác đối với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

KCDC cho biết, trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, gồm 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.438 người. 

Số ca nhiễm mới trong ngày 22/6 đánh dấu mức thấp nhất trong gần một tháng chủ yếu do xét nghiệm ít hơn trong dịp cuối tuần. Trước đó, ngày 20 và 21/6 nước này lần lượt ghi nhận thêm 67 và 48 ca nhiễm mới trong ngày.

Mai Anh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.