|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 25/1: Mỹ, Đức siết chặt kiểm soát biên giới

08:52 | 25/01/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 ngày 25/1 có những tin đáng chú ý như WHO không nhận thấy nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong của biến chủng mới từ Anh, New Zealand có ca nhiễm đầu tiên sau hai tháng, Hàn Quốc bắt đầu tiêm chủng vào tháng 2.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam


Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (24/1) không có thêm ca nhiễm mới. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.548 trường hợp. Như vậy, Việt Nam đã trải qua 54 ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 20.536.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.411/1.548 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần hai là 15 ca, số ca âm tính lần ba là 7 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 99,73 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,13 triệu người tử vong và 71,7 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Sputnik đưa tin WHO đã và đang nghiên cứu khả năng làm lây lan dịch bệnh, gây tử vong của các loại biến chủng virus nCoV mới và cho biết đến thời điểm hiện nay, không nhận thấy nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong của biến chủng mới từ Anh.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 25,68 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 120.927 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.650 ca, nâng tổng số lên 429.296. Tổng số người phục hồi là hơn 15,4 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 60%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ vẫn ở mức cao. 

Tân Tổng thống Joe Biden sẽ áp đặt lệnh cấm đối với hầu hết các công dân không phải là công dân Mỹ nhập cảnh từ Nam Phi từ ngày 30/1 nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể virus SARS-CoV-2.

Biến thể virus ở Nam Phi, mang tên 501Y.V2, có khả năng lây lan cao hơn 50% và đã xuất hiện ở ít nhất 20 quốc gia. Dù chưa được phát hiện ở Mỹ, song biến thể SARS-CoV-2 từ Anh đã được phát hiện ở 20 bang của Mỹ. 

Theo kế hoạch, hôm nay, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách không phải là công dân Mỹ đến từ Brazil, Anh và 26 quốc gia thuộc khối Schengen, theo Reuters.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,66 triệu ca nhiễm và 153.503 ca tử vong, tăng lần lượt 12.921 và 127 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,32 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9. 

Từ hôm nay, thêm 7 bang của nước này sẽ được triển khai tiêm vắc xin COVID-19 do nước này sản xuất, mang tên Covaxin, nâng tổng số lên 19 bang, theo TTXVN.

Trước đó, Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với hai loại vắc xin đầu tiên sản xuất trong nước là Covaxin và Covishield. Tính đến thời điểm này, gần 1,6 triệu dân Ấn Độ đã được tiêm phòng.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 28.323 và 562 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 8,84 triệu và 217.037 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,65 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 86%.

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày của nước này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 21.127 ca mắc và 491 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,71 triệu trường hợp, trong đó 69.462 trường hợp tử vong, và hơn 3,13 triệu người hồi phục (đạt 84%). Số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn duy trì ở mức cao.   

Đức mới đây đã đưa 32 quốc gia như Estonia, Latvia, Litva, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha và CH Séc vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao nhằm siết chặt kiểm soát biên giới, ngăn chặn những ca bệnh nhập cảnh Đức, đặc biệt là những trường hợp nhiễm biến thể virus mới, theo TTXVN.

Theo đó, tất cả du khách từ 32 nước trên cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ trước khi nhập cảnh Đức, và thực hiện cách ly 10 ngày khi tới. 

Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ kiểm soát chặt mọi trường hợp đến từ các nước phát hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 là Nam Phi, Brazil, Ireland và Anh.

Nước này vẫn đang vật lộn với dịch bệnh khi số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày đang duy trì ở mức cao chưa từng thấy.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 80 ca nhiễm mới, trong đó có 65 ca nội địa (29 trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang, 19 ở tỉnh Hà Bắc, 12 ở tỉnh Cát Lâm, ba ở Thượng Hải, hai ở thành phố Bắc Kinh), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 88.991 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong và 82.556 (92%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 392 ca mắc mới, với 369 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 75.084 ca, trong đó có 1.349 trường hợp tử vong, và 62.530 người đã hồi phục (83%).

Đợt sóng COVID-19 thứ ba tại nước này đạt đỉnh vào ngày 25/12, với số ca bệnh mới cao kỷ lục 1.241 nhưng sau đó các con số đã giảm rõ rệt, theo Yonhap.

Sự xuất hiện của các biến thể nCoV từ Anh, Nam Phi và Brazil là một thách thức lớn trong cuộc chiến chống đại dịch vốn đã chật vật của nước này trong bối cảnh chương trình tiêm chủng dự kiến bắt đầu vào tháng 2. 

Giới chức Hàn Quốc khẳng định vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sẽ được cung cấp vào quý đầu tiên của năm nay. AstraZeneca đã đệ trình phê duyệt vắc xin COVID-19 của mình tại nước này. 

New Zealand hôm qua đã xác nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên trong hai tháng khiến giới chức phải khẩn cấp truy vết tiếp xúc, hơn 600 người tự cách ly, theo Reuters.

Ca bệnh là người trở về từ châu Âu, có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi hoàn thành cách ly hai tuần khoảng 10 ngày. Người này đã hai lần xét nghiệm âm tính trước khi về nhà. Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm và biến chủng virus trên bệnh nhân này.

Giới chức cho biết phần lớn người dân có thể được tiêm chủng vào nửa cuối năm nay.

Như Ý

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.