|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 24/1: Biến chủng mới từ Anh có thể dễ gây tử vong hơn

08:00 | 24/01/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 ngày 24/1 có những tin đáng chú ý như biến chủng mới từ Anh có thể dễ gây tử vong hơn, WHO mua 40 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech, số người chết vì COVID-19 tại Mỹ có thể lên tới hơn 600.000 ca.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam


Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (23/1) không có thêm ca nhiễm mới. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.548 trường hợp. Như vậy, Việt Nam đã trải qua 53 ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 19.142.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.411 /1.548 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần hai là 15 ca, số ca âm tính lần ba là 7 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 99,28 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,12 triệu người tử vong và 71,33 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay biển chủng nCoV mới từ Anh đã lây lan sang hơn 60 quốc gia. Anh hôm 22/1 thông báo rằng ngoài việc lây lan nhanh hơn, một số bằng chứng cho thấy biến thể có thể dễ gây tử vong hơn 30-40% đối với một số nhóm tuổi, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến các ca tử vong tại quốc gia này tăng mạnh gần đây. 

Tuy nhiên, giới khoa học Anh cũng nhấn mạnh hiện chưa có nhiều dữ liệu để đánh giá, và hai loại vắc xin đang sử dụng tại Anh vẫn có hiệu quả đối với biến thể này, theo Reuters.

Bên cạnh đó, WHO hôm 22/1 thông báo đã ký thỏa thuận mua 40 triệu liều vắc xin của  Pfizer/BioNTech, và dự kiến bắt đầu cung cấp vắc xin vào cuối tháng 2 tới theo cơ chế COVAX, theo CNBC.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 25,55 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 165.708 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.379 ca, nâng tổng số lên 427.587. Tổng số người phục hồi là hơn 15,32 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 60%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ tiếp tục ở mức cao. 

AFP đưa tin Mỹ hiện đã tiêm 16,5 triệu liều vắc xin, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đang bị trì trệ với mục tiêu tiêm 100 triệu liều trong 100 ngày. Tuy nhiên, năng lực sản xuất hai loại vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt ở nước này là Pfizer/BioNTech và Moderna còn đang hạn chế.

Ông Biden hôm 22/1 cũng cảnh báo số người chết vì COVID-19 tại Mỹ có thể lên tới hơn 600.000 ca.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,65 triệu ca nhiễm và 153.376 ca tử vong, tăng lần lượt 14.891 và 155 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 96% với tổng 10,31 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9. 

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 61.121 và 1.176 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 8,81 triệu và 216.475 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,62 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày của nước này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 20.921 ca mắc và 559 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,69 triệu trường hợp, trong đó 68.971 trường hợp tử vong, và hơn 3,1 triệu người hồi phục (đạt 81%). Số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn duy trì ở mức cao.

Interfax đưa tin, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) hôm qua thông báo đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc sản xuất vắc xin Sputnik V.

Trước đó, RDIF cũng đã ký hợp đồng sản xuất vắc xin này với các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Belarus và Kazakhstan.      

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 107 ca nhiễm mới, trong đó có 90 ca nội địa (56 trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang, 15 ở tỉnh Hà Bắc, 13 ở tỉnh Cát Lâm, ba ở thành phố Bắc Kinh, ba ở Thượng Hải), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 88.911 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong và 82.526 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 24/1: Hong Kong (Trung Quốc) áp dụng biện pháp phòng dịch chưa từng có tiền lệ - Ảnh 1.

Một khu vực lớn của quận Yau Tsim Mong bị phong tỏa. (Ảnh: SCMP).

Hong Kong (Trung Quốc) hôm qua đã phong tỏa 200 tòa chung cư với khoảng 10.000 cư dân tại một trong những quận đông dân nhất Đặc khu, Yau Tsim Mong. Đây là biện pháp nghiêm ngặt nhất trong hơn một năm kiểm soát dịch bệnh ở Hong Kong, theo SMCP.

Lệnh phong tỏa đưa ra sau khi 162 ca nhiễm COVID-19 đã được phát hiện trong 56 tòa nhà chung cư ở khu vực này từ ngày 1/1 tới 20/2. Theo qui định, chỉ người dân có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được rời tòa nhà mình ở nhưng không được ra khỏi khu vực trước khi dỡ bỏ phong tỏa. Tình hình dịch bệnh tại đặc khu này vẫn chưa được kiểm soát khi số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn đang ở mức hai con số.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 430 ca mắc mới, với 403 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 74.692 ca, trong đó có 1.337 trường hợp tử vong, và 62.044 người đã hồi phục (70%).

Các ca nhiễm mới hàng ngày của Hàn Quốc đã tăng nhẹ vượt mức 400 ca trong 24 giờ qua, bệnh nhân mới hầu hết đến từ Seoul, tỉnh Gyeonggi và Incheon. 20% bệnh nhân hiên chưa rõ nguồn lây nhiễm, theo Yonhap.

Trong nỗ lực phát triển vắc xin COVID-19 của riêng nước này, các cơ quan y tế đang thúc đẩy hợp tác công nghệ với Công ty Dược phẩm và Công nghệ sinh học của Mỹ, Moderna.

Như Ý