|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 23/1: Hàng nghìn người Israel mắc bệnh dù đã tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech

08:07 | 23/01/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 ngày 23/1 có những tin đáng chú ý như Nhật Bản phát hiện ca nhiễm biến thể trong cộng đồng, Mỹ áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch mới.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam


Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (22/1) có thêm hai ca nhiễm mới là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.548 trường hợp. Như vậy, Việt Nam đã trải qua 50 ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 18.603.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.411 /1.548 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần hai là 15 ca, số ca âm tính lần ba là 7 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 98,69 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,11 triệu người tử vong và 70,86 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 25,37 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 179.410 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.671 ca, nâng tổng số lên 423.962. Tổng số người phục hồi là hơn 15,2 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 60%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ tiếp tục ở mức cao. 

NY Times đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp và chỉ thị về về đeo khẩu trang, tăng cường xét nghiệm và cách ly,... nhằm ứng phó với đại dịch.

Trong đó có quy định, du khách quốc tế phải có chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi tới Mỹ và thực hiện cách ly ngay khi đặt chân tới quốc gia này.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,64 triệu ca nhiễm và 153.221 ca tử vong, tăng lần lượt 14.344 và 154 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 96% với tổng 10,3 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9. 

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 55.319 và 1.071 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 8,75 triệu và 215.299 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,59 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày của nước này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 21.513 ca mắc và 580 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,67 triệu trường hợp, trong đó 68.412 trường hợp tử vong, và hơn 3,08 triệu người hồi phục (đạt 81%). Số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn duy trì ở mức cao.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 23/1: Hàng nghìn người Israel mắc bệnh dù đã tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 103 ca nhiễm mới, trong đó có 94 ca nội địa (47 trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang, 19 ở tỉnh Cát Lâm, 18 ở tỉnh Hà Bắc, 6 ở Thượng Hải, ba ở thành phố Bắc Kinh, một ở tỉnh Sơn Tây), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 88.804 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong và 82.495 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp phòng dịch ở các vùng nông thôn có hiệu lực từ 28/1 - 8/3 để đối phó với nguy cơ lây nhiễm cao khi làn sóng di cư ồ ạt trong dịp tết sắp tới. 

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 23/1: Hàng nghìn người Israel mắc bệnh dù đã tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech - Ảnh 2.

Một cơ sở cách ly tập trung với diện tích 43,87 ha gồm 4.156 phòng đang được xây dựng ở Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc. (Ảnh: NHC).

Giới chức Thach Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc cho hay: "Các trường hợp nhiễm bệnh mới xuất hiện trong những ngày gần đây đã giảm rất nhiều và hầu hết đã được cách ly tập trung trước khi phát hiện.".

Thành phố Thiên Tân, phía Bắc Trung Quốc đã xác định một trường hợp nhiễm chủng đột biến virus từ Anh là người nhập cảnh được cách ly ngay.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 344 ca mắc mới, với 314 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 74.262 ca, trong đó có 1.328 trường hợp tử vong, và 61.415 người đã hồi phục (70%).

Các ca nhiễm mới hàng ngày của Hàn Quốc gần đây đã giảm liên tục và giảm xuống dưới mức 400 ca trong 24 giờ qua, nhưng giới chức vẫn cảnh bảo người dân không nên chủ quan, theo Yonhap.

RT đưa tin hơn 12.400 người Israel có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 dù đã được tiêm vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech.

Trong đó, 1.410 người có kết quả dương tính với virus sau hai tuần kể từ lần tiêm đầu tiên, dù các chuyên gia cho rằng lúc này khả năng miễn dịch một phần đã có hiệu lực. Đặc biệt, 69 trường hợp đã nhiễm COVID-19 mặc dù đã được tiêm cả 2 mũi vắc xin,

Phía Pfizer cho rằng sự gia tăng đột biến về khả năng miễn dịch sẽ xảy ra từ ngày thứ 15 - 21 sau lần tiêm đầu tiên, khi đó hiệu quả vắc xin tăng từ 52% - 89%. Theo các thử nghiệm trước đó, vắc xin này có hiệu quả đạt 95% vào một tuần sau khi tiêm liều thứ hai. Kết quả của các thử nghiệm lâm sàng có thể khác với quá trình tiêm chủng trên thực tế, vì quy mô khác nhau.

Giới chức Israel cho rằng việc tiêm vắc xin mũi đầu tiên của hãng dược Mỹ kém hiệu quả hơn so với những gì họ nghĩ và hiệu quả cũng thấp hơn những gì Pfizer đã công bố.

Tuy nhiên, Giáo sư Gili Regev-Yohai, trưởng khoa truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba, cơ sở tiêm chủng cho Thủ tướng Netanyahu, vẫn khẳng định vắc xin Pfizer "hoạt động tuyệt vời" sau hai mũi tiêm khi hầu hết nhân viên y tế tại trung tâm có mức kháng thể cao hơn từ 6 - 20 lần sau khi hoàn thành việc tiêm chủng 7 ngày.

Israel đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm phòng COVID-19 với khoảng 2,15 triệu người đã được tiêm vắc xin, trong đó 300.000 người đã được tiêm cả hai mũi. Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại nước này vẫn đang ở mức cao.

Nhật Bản hôm qua phát hiện một ca nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh là một bé gái 10 tuổi đang sinh sống tại thủ đô Tokyo, theo TTXVN.   

Bệnh nhân đã tiếp xúc gần với một người đàn ông 40 tuổi đã có kết quả dương tính với virus, tuy nhiên cả hai chưa từng đi nước ngoài. Cơ quan y tế Nhật Bản cho rằng loại virus biến thể này có khả năng đã lây lan trong thành phố.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản vẫn đang diễn biến phức tạp khi ghi nhận thêm 5.048 ca nhiễm mới, 108 ca tử vong trong 24 giờ qua, cao nhất từ trước đến nay.

Như Ý