|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 1/10: WB đưa ra sáng kiến 12 tỉ USD hỗ trợ nước nghèo mua vắc xin

07:55 | 01/10/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 1/10, thế giới đã vượt mốc 34 triệu ca nhiễm COVID-19. Ca mắc mới tại Hàn Quốc tăng trở lại. Số ca nhiễm tại Ấn Độ có thể cao gấp 10 lần số liệu chính thức. Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca từ Nga trở về.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 2/10

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (1/10) Việt Nam có thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là người nhập cảnh từ Liên bang Nga được cách li ngay. Như vậy, đã 29 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.095 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.491.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 1/10: Số ca mắc mới tại Hàn Quốc tăng trở lại - Ảnh 1.

Tình hình các trường hợp cách li tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.010/1.095 ca mắc.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 3 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 11 ca.

Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 1/10, toàn thế giới có tổng cộng hơn 34,14 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,01 triệu người tử vong và 25,4 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 74,3%).

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo Guardian, Ngân hàng Thế giới công bố kế hoạch về sáng kiến 12 tỉ USD hỗ trợ các nước nghèo mua vắc xin COVID-19 ngay khi có thuốc. Tổ chức này đang yêu cầu các cổ đông chính, những nước giàu, ủng hộ kế hoạch giải ngân tiền mặt trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 7,44 triệu ca nhiễm COVID-19, (chiếm hơn 1/5 tổng số ca nhiễm toàn cầu dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới), sau khi ghi nhận thêm 38.336 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 891 ca, nâng tổng số lên 211.676. Tổng số người phục hồi là hơn 4,68 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 62,9%).

Số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ đang giảm, nhưng vẫn ở mức cao.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới khá cao, với 1.839 ca ở California, 3.430 ca ở Texas, và 1.948 ca ở Florida, Georgia ghi nhận thêm 1.720 ca, Illinois 2.273 ca.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 6,31 triệu ca nhiễm và 98.708 ca tử vong, tăng lần lượt 86.748 và 1.179 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 83,5% với tổng 5,27 triệu người đã khỏi bệnh.

Ấn Độ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt. Số ca mắc mới và tử vong trong một ngày qua của nước này cao nhất thế giới. Ấn Độ hiện xếp thứ 3 về tổng số người tử vong vì COVID-19, chỉ thấp hơn Mỹ, Brazil. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này vẫn chỉ ra dấu hiệu tích cực rằng tỉ lệ khỏi bệnh đã tăng gần 100% trong tháng qua.

Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, hơn 63 triệu người nước này có thể đã mắc bệnh COVID-19, cao hơn khoảng 10 lần số liệu chính thức.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 1/10: Số ca mắc mới tại Hàn Quốc tăng trở lại - Ảnh 2.

Nhân viên y tế Ấn Độ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Hyderabad, bang Telangana hôm 29/9. (Ảnh: AFP).

Có rất nhiều lí do cho sự chênh lệch này, chủ yếu do người dân không được xét nghiệm đầy đủ. Ấn Độ đã tăng cường xét nghiệm nhưng vẫn kém xa các nước lớn khác. Theo Đại học Johns Hopkins, chỉ có khoảng 82/100.000 người ở Ấn Độ được xét nghiệm mỗi ngày, so với khoảng 284 ở Mỹ và 329 ở Anh.

Chính phủ Ấn Độ bắt đầu nới hạn chế vào tháng 5 sau khi phong tỏa nhiều tháng, chuyển sang tập trung mở cửa lại nền kinh tế và dịch vụ công. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo còn quá sớm để nới hạn chế.

Trong khi đó, tỉ lệ tử vong của Ấn Độ là 1,6%, thấp hơn nhiều so với 2,9% ở Mỹ, 9,5% ở Anh và 11,5% ở Italy, theo Đại học Johns Hopkins.Tuy nhiên, thống kê ca tử vong thực tế cũng bị cho là cao hơn, theo CNN.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 33.269 và 952 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,81 triệu và 143.962 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 4,18 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 86,9%.

Số ca nhiễm mới báo cáo mỗi ngày tại nước này đang có xu hướng giảm. Giới chuyên gia Brazil nhận định rằng các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 8.481 ca mắc và 177 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,17 triệu trường hợp, trong đó 20.722 trường hợp tử vong, và 958.257 người hồi phục (đạt 81,9%). Số ca nhiễm mới tại Nga có tăng nhẹ, đây là ngày thứ ba liên tiếp nước này ghi nhận hơn 8000 ca/ngày.

Peru là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 811.768 ca, trong đó có 32.396 ca tử vong, và 676.925 người hồi phục (83,3%).

Nước này vẫn đang phải đối đầu với sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, mặc dù số ca nhiễm ghi nhận trong thời gian gần đây có giảm nhẹ.

Tây Ban Nha đã vượt Mexico trở thành vùng dịch lớn thứ 7 thế giới. Nước này hiện đã ghi nhận 769.188 ca nhiễm, trong đó có 31.791 ca tử vong, và cũng đang trải qua sóng lây nhiễm thứ hai nghiêm trọng hơn đợt một hồi tháng 3.

Mexico là vùng dịch lớn thứ 9 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 738.163 ca, trong đó có 77.163 ca tử vong - cao thứ tư thế giới, và 530.945 người hồi phục (71,9%).

Giới chức y tế Mexico từng thừa nhận số ca tử vong được báo cáo tại nước này thấp hơn nhiều so với thực tế.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã 45 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.403 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.578 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi. 

Theo China Daily, hôm 30/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ chia sẻ vắc xin COVID-19 với thế giới như một loại hàng hóa chung với giá công bằng và hợp lí. Các nước đang phát triển sẽ được ưu tiên trong việc phân phối vắc xin thông qua nhiều cách thức khác nhau, trong đó có hình thức viện trợ miễn phí.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 113 ca mắc mới, trong đó có 93 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 23.812 ca, trong đó có 413 trường hợp tử vong và 21.590 người đã hồi phục (90,6%).

Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc đã tăng trở lại lên mức ba con số, sau 4 ngày liên tiếp chỉ ghi nhận con số dưới 100 ca/ngày. Sự gia tăng mạnh số ca nhiễm COVID-19 mới đã làm các cơ quan y tế thêm căng thẳng trước kì nghỉ lễ trung thu sắp tới, theo Yonhap.

Như Ý

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.