|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 26/7: Việt Nam có một ca mới, Mỹ có thêm hơn 61.600 ca nhiễm

07:49 | 26/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, thế giới có hơn 16 triệu ca mắc COVID-19. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Hàn Quốc tăng cao, Ấn Độ trải qua thời kì có số ca nhiễm mới cao kỉ lục, trong khi Việt Nam có một ca mắc mới COVID-19 tại Đà Nẵng.

Việt Nam phát hiện một ca mắc mới COVID-19 tại Đà Nẵng, Việt Nam có 418 ca bệnh

Xem thêm: Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 27/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 thông báo, tính đến 6h ngày 26/7, Việt Nam hiện ghi nhận 418 ca mắc COVID-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 11.187.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 26/7: Việt Nam ghi nhận một ca mắc mới COVID-19 - Ảnh 1.

Tình hình các ca mắc COVID-19 tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/418 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 87,5% tổng số ca bệnh. 

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ đa số đều có sức khoẻ ổn định, 8 người có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 45 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Liên quan đến tình hình sức khoẻ của bệnh nhân số 416, Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho bết, bệnh nhân mắc COVID-19 số 416 (nam, 57 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Thành phố Đà Nẵng bệnh diễn biến xấu rất nhanh. 

Ngày 25/7, bệnh nhân được chạy ECMO, lọc máu liên tục lần 2. Hiện phổi thông khí tạm thời. Bệnh nhân hiện được chỉ định dùng thuốc an thần, kháng sinh, kháng virus, tăng cường miễn dịch, nuôi ăn qua sonde, lọc máu liên tục.

Thế giới ghi nhận hơn 16 triệu ca mắc COVID-19, Hàn Quốc số ca nhiễm mới hàng ngày tăng cao

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 26/7, toàn thế giới có tổng cộng 16.173.285 ca mắc COVID-19, trong đó có 647.356 người tử vong và 9.895.983 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt mốc bốn triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 4.309.976 (chiếm 26,65% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 61.649 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 832 ca, nâng tổng số lên 149.322 (gần 1/4 trường hợp tử vong toàn cầu).

Từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới cao, với 12.199 ca ở Florida, 7.705 ca ở Texas và 6.312 ca ở California -  vùng dịch lớn nhất nước Mỹ.

Politico dẫn lời nhiều chuyên gia y tế Mỹ cho rằng đợt bùng phát COVID-19 ở nhiều bang đã chạm đỉnh, nhưng một số chuyên gia khác tin tình trạng tồi tệ nhất còn chưa tới.

Reuters đưa tin nhiều bang đã dừng hoặc rút lại kế hoạch tái mở cửa khi ca nhiễm tăng mạnh trở lại. Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường có hiệu lực tại hàng loạt địa phương, bao gồm thủ đô Washington, từ hôm 22/7. Người dân từ hai tuổi trở lên phải đeo khẩu trang khi rời nhà và có nhiều khả năng tiếp xúc với người khác.

Tình trạng mâu thuẫn, xô xát liên quan tới việc đeo khẩu trang vẫn xảy ra trong thời gian gần đây tại Mỹ. Hồi đầu tuần, cảnh sát San Francisco thông báo một tài xế xe buýt đã bị ba hành khách đánh bằng gậy gỗ sau khi nhiều lần yêu cầu họ đeo khẩu trang theo qui định.

Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) công bố thông báo mới hôm 24/7, các du học sinh chưa nộp đơn ghi danh trước ngày 9/3 sẽ không được cấp visa nếu dự định học các khóa hoàn toàn trực tuyến, theo AFP.

Qui định này chỉ ảnh hưởng đến những sinh viên đang có nguyện vọng vào học các trường đại học cung cấp 100% các lớp online do đại dịch COVID-19.

ICE cho hay du học sinh nước ngoài có thể bị xem là cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất nếu không chuyển sang các trường dạy trực tiếp, hoặc kết hợp hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến.

Chính sách này lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt và dẫn tới vụ kiện của các trường đại học hàng đầu. Giới quan sát nhận định Tổng thống Trump đang tận dụng COVID-19 để thúc đẩy chương trình hạn chế nhập cư. 

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Số người nhiễm nCoV tại Brazil tăng gấp đôi trong chưa đầy một tháng và vượt con số hai triệu hôm 16/7.

Giới chức ghi nhận thêm 46.313 ca nhiễm mới và 1.064 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.394.513 và 86.449. Nhiều chuyên gia cho rằng số ca nhiễm COVID-19 thực tế ở Brazil cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

ABC News đưa tin Tổng thống Brazil Bolsonaro thông báo trên mạng xã hội Facebook hôm 25/7 rằng ông đã âm tính với nCoV sau khi làm xét nghiệm lần thứ tư

Nhà lãnh đạo 65 tuổi cũng đăng kèm một bức ảnh ông đang mỉm cười và tay cầm hộp thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine, dù loại thuốc này chưa được chứng minh có hiệu quả chống COVID-19. Tổng thống Brazil trước đó nói rằng ông sử dụng hydroxychloroquine từ khi được xác định nhiễm nCoV hôm 7/7 và thuốc đã phát huy công hiệu.

Tính đến tuần trước, Brazil đã trải qua hai tháng không có Bộ trưởng Y tế sau khi ông Nelson Teich từ chức để phản đối việc Bolsonaro ủng hộ sử dụng hydroxychloroquine và chloroquine để điều trị cho COVID-19. Bộ trưởng Y tế lâm thời, Tướng Eduardo Pazuello, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và đang đối mặt với áp lực phải từ chức.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 1.385.494 ca nhiễm và 32.096 ca tử vong, tăng lần lượt 48.472 và 690 so với ngày hôm trước.

Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ trong những ngày qua cao kỉ lục kể từ khi dịch bùng phát. Về số ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Pháp, trở thành vùng dịch có số ca tử vong đứng thứ 6 thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, Anh, Mexico và Italy.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.871 ca mắc và 146 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 806.720 trường hợp, trong đó 13.192 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000-6.000 ca.

Tròn một tháng số ca mới trong một ngày của Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Chính phủ Nga thông báo họ đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu.

Nam Phi đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 434.200 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 6.655.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng tăng nhanh.

Peru hiện là quốc gia đứng thứ sáu thế giới về tổng số ca xác nhận mắc COVID-19 với 379.884 ca nhiễm và 18.030 ca tử vong, 

Theo AFP, tại Arequipa, thành phố lớn thứ hai Peru đang trên đà tăng vọt ca nhiễm và không có dấu hiệu giảm. Tình trạng số ca nhiễm tăng cao đã khiến các bệnh viện tại đây bị quá tải.

Bên ngoài bệnh viện Honorio Delgado, giới chức phải dựng một cái lều để điều trị cho bệnh nhân vì các giường bệnh đã không còn.

Hàn Quốc xác nhận thêm 113 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất kể từ ngày 31/3, hiện nước này ghi nhận 14.092 người nhiễm nCoV, trong đó 298 người đã chết.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm qua 25/7 cho biết số ca nhiễm mới gồm 86 trường hợp ngoại nhập và 27 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo Reuters, giới chức y tế Hàn Quốc hôm 24/7 cảnh báo những người nhiễm virus trở về từ nước ngoài có thể khiến số ca nhiễm mỗi ngày tăng hơn 100. Lần gần đây nhất số ca nhiễm mới vượt mức này là hôm 31/3, thời điểm Hàn Quốc báo cáo 125 trường hợp nhiễm mới.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 26/7: Việt Nam ghi nhận một ca mắc mới COVID-19 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế phun khử trùng ở một nhà hát tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, hôm 21/7. (Ảnh: AFP)

Hàn Quốc đang dần nới lỏng hạn chế, cho phép người dân thực hiện các hoạt động kinh tế và xã hội nhưng phải tuân thủ qui tắc phòng dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế kêu gọi chính quyền thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh một số cụm dịch mới xuất hiện.

Như Ý

Chủ tịch Dragon Capital: Lần cuối cùng có thương vụ IPO đình đám đã 6 năm trước
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói thương vụ IPO đình đám gần nhất đã diễn ra từ năm 2018, tại Diễn đàn M&A 2024.