Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 25/7: Việt Nam có một ca ba lần xét nghiệm dương tính, thế giới vượt mốc 16 triệu người mắc
Việt Nam 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, phát hiện một ca nghi nhiễm tại Đà Nẵng
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 26/7
Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 25/7, Việt Nam hiện ghi nhận 415 ca mắc COVID-19.
Việt Nam có tổng cộng 275 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 11.815.
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm hai ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Các trường hợp này trở về từ Nga, được cách li ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/415 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 88,4% tổng số ca bệnh.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 46 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.
Thông tin về ca nghi mắc COVID-19 ở Đà Nẵng, trường hợp là một nam bệnh nhân 57 tuổi, ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, có tiền sử nang trung thất, đã được phẫu thuật cách đây khoảng hai năm.
Theo điều tra, bệnh nhân đang sống chung với vợ và con gái tại quận Liên Chiểu. Người nhà cho biết 1 tháng gần đây, bệnh nhân chỉ ở Đà Nẵng, không đi ra ngoại tỉnh.
Bệnh nhân đã có ba lần xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tiếp tục chờ kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để công bố dịch.
Hiện 103/103 mẫu tiếp xúc gần với bệnh nhân tất cả đều âm tính. Số mẫu này được lấy trong đêm ngày 23/7.
Thế giới gần 16 triệu ca mắc COVID-19, phòng thí nghiệm tại Mỹ quá tải, Ấn Độ ba ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục
Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 24/7, toàn thế giới có tổng cộng 15.930.021 ca mắc COVID-19, trong đó có 641.842 người tử vong và 9.715.847 bệnh nhân phục hồi.
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã cán mốc bốn triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 4.244.715 (chiếm 26,67% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 74.397 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.044 ca, nâng tổng số lên 148.393 (gần 1/4 trường hợp tử vong toàn cầu).
Kể từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 12.444 ca ở Florida, 7.001 ca ở Texas và 10.208 ca ở California - vùng dịch lớn nhất nước Mỹ.
Theo NY Times, tại New York - nơi từng là tâm dịch COVID-19 tại Mỹ, hàng nghìn người dân phải chờ từ một tuần tới hơn một tuần mới có thể nhận được kết quả "xét nghiệm nhanh" COVID-19. Tình trạng này xảy ra do quá tải các phòng thí nghiệm, và sự có hạn của nguồn vật tư y tế khi giới chức thành phố New York đặt mục tiêu 50.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Các chuyên gia cho biết tình trạng chậm trễ này ảnh hưởng đến khả năng xác định và kịp thời cách li ca nhiễm, ảnh hưởng tới hiệu quả của chương trình truy vết tiếp xúc, đồng thời cản trở việc giám sát mức độ lây lan của virus, dẫn tới những rắc rối khi New York cố gắng tái mở cửa.
Theo Politico, một lính thủy quân lục chiến thuộc phi đoàn trực thăng của Tổng thống Mỹ dương tính với COVID-19, buộc đơn vị phải khử trùng toàn bộ máy bay. Một quan chức Nhà Trắng cho biết binh sĩ này "không tiếp xúc với tổng thống hoặc bất cứ nhân viên nào của chính phủ".
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 22/7 thông báo đã phát hiện tổng số 32.728 ca nhiễm, trong đó 51 người chết. Khoảng 2.600 ca nhiễm trong quân đội Mỹ là thành viên thủy quân lục chiến.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Quốc gia này ghi nhận thêm 53.415 ca nhiễm mới và 1.031 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.343.366 và 85.238.
Nhiều chuyên gia cho rằng số ca nhiễm COVID-19 thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.
Theo AFP, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 23/7 đã lái xe máy vòng quanh khuôn viên dinh Alvorada và dừng chân nói chuyện với một nhóm lao công, trong tình trạng không đeo khẩu trang, mặc dù vẫn đang dương tính với COVID-19.
Vị tổng thống từng than phiền chán cách li. Nghị sĩ Marcelo Freixo, lãnh đạo đảng Xã hội và Tự do (PSOL), đã cáo buộc Bolsonaro coi nhẹ mạng sống người Brazil. Văn phòng Tổng thống cho biết họ không bình luận về hành động này.
Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca xác nhận mắc COVID-19 với 1.337.022 ca nhiễm và 31.406 ca tử vong, tăng lần lượt 48.892 và 761 so với ngày hôm trước.
Nước này ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục kể từ khi dịch bùng phát. Về số ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Pháp, trở thành vùng dịch có số ca tử vong đứng thứ 6 thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, Anh, Mexico và Italy.
Theo kết quả xét nghiệm huyết thanh của Delhi, các chuyên gia y tế nhận định Ấn Độ đang tiến tới miễn dịch cộng đồng và một số lượng lớn người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng.
Theo BBC, tại một số trung tâm cách li COVID-19 nước này đã xảy ra tình trạng tấn công tình dục phụ nữ và trẻ em gái.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.811 ca mắc và 154 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 800.849 trường hợp, trong đó 13.046 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000-6.000 ca.
Đây là ngày thứ 29 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Chính phủ Nga thông báo đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu.
Nam Phi đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 421.996 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 6.343.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng tăng nhanh.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 21 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.750 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.873 bệnh nhân được chữa khỏi.
Theo AFP, Đại Liên, thành phố cảng phía đông bắc Trung Quốc với 6 triệu dân, báo cáo ba ca nhiễm có triệu chứng và 12 ca nhiễm không triệu chứng trong hai ngày gần đây sau gần 4 tháng không ghi nhận ca mới nào. Các ca nhiễm đều liên quan đến một công ty chế biến hải sản có nhập khẩu sản phẩm nước ngoài. Tất cả các trường hợp nhiễm mới đều chưa từng rời khỏi Đại Liên trong 14 ngày gần đây.
Sở y tế Đại Liên hôm 24/7 cho hay thành phố phải "nhanh chóng bước vào chế độ thời chiến để ngăn cản dịch lây lan".
Chính quyền đã công bố hàng loạt biện pháp hạn chế mới, bao gồm xét nghiệm axit nucleic tại chỗ cho những người đi tàu điện ngầm qua công ty hải sản trên. Nhà trẻ, mẫu giáo đóng cửa. Một số khu dân cư bị phong tỏa.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/