|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 14/3: Ba nhân viên y tế Na Uy 'ốm nặng' sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca

09:03 | 14/03/2021
Chia sẻ
Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 14/3: Dịch bệnh nhiều nước đang dần xấu đi, WHO điều tra các trường hợp máu đông sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 15/3

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (14/3) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.594 ca do lây nhiễm trong nước.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 39.613.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.086 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 48 ca; số ca âm tính lần hai là 48 ca, lần ba là 91 ca. 

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 120 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,65 triệu người tử vong và 96,56 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 79%). 

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

CNBC đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang điều tra các báo cáo hiện tượng máu đông sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca và có thể đưa ra thông báo vào tuần tới, trong bối cảnh hơn 10 quốc gia, trong đó có Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Thái Lan, đã đình chỉ tiêm vắc xin của AstraZeneca do lo ngại tính an toàn. 

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 14/3: Ba nhân viên y tế 'ốm nặng',  xuất huyết, đông máu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca - Ảnh 1.

Các lọ vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. (Ảnh: AFP).

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,04 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 45.560 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 934 ca, nâng tổng số lên 546.502. 

Tổng số người phục hồi là hơn 22,1 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 69%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.

Tính đến hôm 12/3, Mỹ đã tiêm hơn 100 triệu liều vắc xin (gồm 50 triệu liều vắc xin Pfizer, 49 triệu liều Moderna, 900.000 liều vắc xin một mũi của Johnson & Johnson), tương đương 30% số liều vắc xin được tiêm trên khắp thế giới, theo WSJ.

Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 70.934 và 1.940 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,43 triệu và 277.216 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,03 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 14/3: Ba nhân viên y tế 'ốm nặng',  xuất huyết, đông máu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca - Ảnh 2.

Bệnh viện dã chiến ở Sao Paolo, Brazil. (Ảnh: AP).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tình trạng dịch bệnh ở Brazil hiện rất đáng lo ngại, và cần phải có hành động nghiêm túc để đối phó với các ca bệnh và tử vong đang gia tăng mạnh ở đây, theo Reuters.

Tổng thống Jair Bolsonaro cũng đối mặt với ngày càng nhiều chỉ trích vì không bảo đảm nguồn cung vắc xin COVID-19 kịp thời cho người dân, khi mới chỉ có 3% dân số được tiêm chủng.

Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,35 triệu ca nhiễm và 158.642 ca tử vong, tăng lần lượt 25.153 và 159 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,98 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại từ tháng 2 tại một số bang nước này.

Theo AFP, Ấn Độ đã tiêm ít nhất 28 triệu liều vắc xin, hầu hết là vắc xin của AstraZeneca được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ. New Delhi còn tặng và cho phép xuất khẩu hàng triệu liều vắc xin tới khoảng 70 quốc gia trong vài tuần qua. Nước này hôm qua cho biết sẽ đánh giá sâu hơn về tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca vào tuần tới.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.908 ca mắc và 475 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,38 triệu trường hợp, trong đó 91.695 trường hợp tử vong, và hơn 3,98 triệu người hồi phục (đạt 90%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Tại Na Uy, ba nhân viên y tế đều dưới 50 tuổi mới đây đã phải nhập viện do "ốm nặng" và xuất hiện các triệu chứng xuất huyết, đông máu, giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca. Cơ quan y tế nước này hiện chưa rõ các sự cố này có liên quan tới vắc xin hay không, việc này sẽ được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) điều tra, theo Reuters.

Trước đó, Na Uy đã đình chỉ tiêm vắc xin AstraZeneca vào ngày 11/3, theo chân động thái của Đan Mạch. Iceland sau đó cũng có quyết định tương tự. Nước này đang chứng kiến số ca bệnh mới tăng mạnh trở lại trong hơn 20 ngày qua.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 26 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.034 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.214 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 490 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 95.176 ca, trong đó có 1.667 trường hợp tử vong, và 86.625 người đã hồi phục (90%).

Ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại lên mức 400 trong ngày thứ 5 liên tiếp, cao nhất trong 22 ngày, theo Yonhap.

Như Ý