Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 15/3: Thêm một nước dừng tiêm vắc xin AstraZeneca, Việt Nam có hai ca phản ứng nặng sau tiêm
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 16/3
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (15/3) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.594 ca do lây nhiễm trong nước.
Đến nay, Việt Nam đã tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho 11.605 người, riêng ngày 14/3 tiêm cho 1.382 người, trong đó xuất hiện hai trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.
Cụ thể, một trường hợp có dấu hiệu chóng mặt, bồn chồn, khó chịu xuất hiện trong vòng 30 phút sau tiêm. Trường hợp thứ hai được chẩn đoán sốc phản vệ độ III với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm.
Cả hai trường hợp này được phát hiện và xử trí kịp thời, hiện tại sức khoẻ đã ổn định.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 39.612.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.086 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 48 ca; số ca âm tính lần hai là 48 ca, lần ba là 91 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 120,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,66 triệu người tử vong và 96,9 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 79%).
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Hà Lan và Ireland (đất nước đang phải phong tỏa lần thứ ba do số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn ở mức cao) hôm qua thông báo đình chỉ sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sau báo cáo về các "phản ứng phụ" ở Đan Mạch và Na Uy, theo Reuters.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,08 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 36.229 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 614 ca, nâng tổng số lên 547.219.
Tổng số người phục hồi là hơn 22,16 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 69%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.
Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 44.120 và 1.013 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,48 triệu và 278.229 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,06 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tình trạng dịch bệnh ở Brazil hiện rất đáng lo ngại, và cần phải có hành động nghiêm túc để đối phó với các ca bệnh và tử vong đang gia tăng mạnh ở đây, theo Reuters.
Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,38 triệu ca nhiễm và 158.762 ca tử vong, tăng lần lượt 26.514 và 120 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại từ tháng 2 tại một số bang nước này.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 10.083 ca mắc và 395 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,39 triệu trường hợp, trong đó 92.090 trường hợp tử vong, và hơn 3,99 triệu người hồi phục (đạt 90%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Reuters đưa tin, Pháp, vùng dịch lớn thứ 6 trên thế giới, áp lệnh giới nghiêm từ 18h trên cả nước và phong tỏa vào cuối tuần tại hai điểm nóng dịch bệnh, đồng thời đóng cửa các trung tâm mua sắm nhằm tránh phải phong toả toàn quốc lần ba trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang tăng dần trở lại khiến các bệnh viện quá tải.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 27 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.044 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.225 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 459 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 95.635 ca, trong đó có 1.669 trường hợp tử vong, và 87.408 người đã hồi phục (90%).
Nước này có thêm hai trường hợp tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong đó có một ca là người ở độ tuổi 20, đây trường hợp thứ hai dưới 30 tuổi tử vong do đại dịch tại Hàn Quốc. Trong khi đó, ca nhiễm mới tăng trở lại lên mức 400 trong ngày thứ 6 liên tiếp, theo Yonhap.
Giới chức y tế cho biết sự lây lan của virus gần đây có dấu hiệu mở rộng. Tới nay, 1,13% trong tổng số 52 triệu dân của nước này đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên. Dân chúng nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng vào tháng 4, những người từ 65 tuổi trở lên được ưu tiên.
Một trường hợp nghi ngờ phản ứng phản vệ, có các triệu chứng tương tự như phản vệ, một phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, đã được báo cáo, nâng tổng số trường hợp như vậy lên 73. Các cơ quan y tế đang xem xét 16 trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng.
Philippines, vùng dịch lớn hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, ghi nhận các ca nhiễm biến thể nCoV từ Anh, Brazil và Nam Phi, cùng một biến thể nội địa có đặc điểm giống chủng Brazil.
Quan chức y tế Philippines cho biết hiện chưa có bằng chứng cho thấy chủng virus nội địa sẽ tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, dù có mang một số đột biến có thể làm tăng khả năng lây nhiễm so với bản gốc.
Philippines đang siết chặt biện pháp phong tỏa sau khi chứng kiến đợt bùng phát COVID-19 mới trong những tuần gần đây. Vùng đô thị Manila với 13 triệu dân sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm từ 22h - 4h hàng ngày từ ngày 15/3. Việc đi lại giữa 16 thành phố trong Vùng đô thị Manila cũng bị hạn chế, theo Straits Times.