|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 16/3: Làn sóng dịch bệnh thứ ba lan rộng khắp châu Âu

08:13 | 16/03/2021
Chia sẻ
Ngày càng nhiều nước đình chỉ sử dụng vắc xin AstraZeneca, Nga sản xuất vắc xin Sputnik V tại nhiều nước châu Âu.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 17/3

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (16/3) có hai ca mắc mới COVID-19 ghi nhận tại ổ dịch Kim Thành, Hải Dương. Đây đều là trường hợp F1 đã được cách ly trước đó. 

Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam có tổng cộng 1.596 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 39.612.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.115/2.557 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 42 ca; số ca âm tính lần hai là 22 ca, lần ba là 100 ca. 

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 120,76 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,67 triệu người tử vong và 97,4 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). 

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

AFP đưa tin, ngày càng nhiều nước đã đình chỉ sử dụng vắc xin AstraZeneca, chủ yếu ở châu Âu, trong đó có Pháp, Italy, Đức, Slovenia, Tây Ban Nha, Ireland, Hà Lan, Đan Mạch, Iceland, Áo, Italy, Bulgary, Romania, Estonia, Lithuania, Luxembourg, Latvia, Thái Lan và Indonesia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 15/3 khuyến nghị các quốc gia tiếp tục sử dụng vắc xin này, đồng thời nhấn mạnh không có mối liên hệ nhân quả nào giữa hiện tượng đông máu và vắc xin. Bên cạnh đó, tỷ lệ xảy ra biến chứng trong số người được chủng ngừa ít hơn dự đoán.

Australia, Canada khẳng định vắc xin AstraZeneca an toàn và sẽ tiếp tục được sử dụng, theo Reuters.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 16/3: Làn sóng dịch bệnh thứ ba lan rộng khắp châu Âu - Ảnh 1.

Vắc xin AstraZeneca. (Ảnh: AFP).

Nhiều nước châu Âu đang đối mặt làn sóng COVID-19 thứ ba khi tỷ lệ lây nhiễm đang ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 2 do các biến chủng nCoV, khiến các giới chức phải tăng cường biện pháp phòng dịch.

Từ 15/3, Italy sẽ phong tỏa đa số các khu vực trên toàn quốc. Pháp ban lệnh giới nghiêm và hạn chế xã hội ở một số vùng. Đức và Ba Lan đang trong làn sóng COVID-19 thứ ba. Trong khi, Ba Lan đã ban lệnh hạn chế nghiêm ngặt các cuộc tụ họp, đóng cửa hầu hết trường học, nhà hàng chỉ được phục vụ mang đi. Tình hình dịch tại Hungary và Czech cũng xấu đi khi số ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng, theo Guardian.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 16/3: Làn sóng dịch bệnh thứ ba lan rộng khắp châu Âu - Ảnh 2.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong một bệnh viện ở Ý, hôm 12/3. (Ảnh: AFP).

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,13 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 42.505 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 735 ca, nâng tổng số lên 547.963. 

Tổng số người phục hồi là hơn 22,28 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.

Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 36.239 và 959 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,51 triệu và 279.286 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,11 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 88%. Các ca bệnh và tử vong hàng ngày đang tăng cao chưa từng thấy tại nước này.

Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,4 triệu ca nhiễm và 158.892 ca tử vong, tăng lần lượt 24.366 và 130 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,02 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại từ tháng 2 tại một số bang nước này.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.437 ca mắc và 404 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,4 triệu trường hợp, trong đó 92.494 trường hợp tử vong, và hơn 4 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 16/3: Làn sóng dịch bệnh thứ ba lan rộng khắp châu Âu - Ảnh 3.

Hình minh hoạ. (Ảnh: AFP).

Giới chức các nước Liên minh châu Âu đang xem xét khởi động các cuộc đàm phán để mua vắc xin Sputnik V của Nga. Nga đã đạt được thỏa thuận sản xuất vắc xin này ở các nước châu Âu, trong đó có Tây Ban Nha, Pháp và Đức, theo The Moscow Times.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 27 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.049 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.238 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Sau chuyến đi đến thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của COVID-19, nhà virus học người Hà Lan Marion Koopmans cho biết nCoV "cực kỳ khó có khả năng" bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, tính tới ngày 14/3, 6,66 triệu người đã được chủng ngừa, trong đó, hơn một nửa đã được nhận hai liều, số còn lại đã được tiêm liều thứ nhất.

Thủ đô Bắc Kinh sẽ không còn yêu cầu những người đến từ các khu vực khác ở Trung Quốc có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp phải xét nghiệm hay theo dõi sức khỏe trong hai tuần, từ ngày 16/3. Tất cả các khu vực trên đại lục Trung Quốc được xếp vào loại có nguy cơ thấp.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 382 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 96.017 ca, trong đó có 1.675 trường hợp tử vong, và 87.754 người đã hồi phục (90%).

Các ca nhiễm mới trong một ngày qua của Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 400 lần đầu tiên trong một tuần, do số người thực hiện các xét nghiệm giảm vào cuối tuần, theo Yonhap.

Tổng số 16 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin đã được báo cáo cho đến nay. Các cơ quan y tế kết luận một cách ngập ngừng rằng không có mối liên hệ nào giữa việc tiêm chủng và một số trường hợp tử vong. Giấy chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số sẽ được cấp cho người tiêm chủng.

Như Ý