Thêm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha ngừng tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca
Theo CNBC, Chính phủ Hà Lan hôm 14/3 cho biết vắc xin AstraZeneca sẽ không được sử dụng cho đến 29/3. Trước đó, Ireland cũng tạm ngừng tiêm vắc xin này cho người dân như một biện pháp phòng ngừa.
Ngày 15/3, Đức quyết định đình chỉ tiêm vắc xin AstraZeneca để đề phòng, sau khi được cơ quan quản lý vắc xin là Viện Paul Ehrlich khuyến cáo.
Cùng ngày, Cơ quan quản lý dược phẩm Italy (AIFA) cũng đưa ra thông báo tương tự. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo nước này sẽ ngừng triển khai tiêm vắc xin của AstraZeneca để chờ đánh giá từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), dự kiến được công bố ngày 16/3.
Cơ quan quản lý dược phẩm Italy (AIFA) cũng ra lệnh ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca trên cả nước, cho biết đây là biện pháp "tạm thời và để đề phòng" trong khi chờ báo cáo của EMA.
Cũng trong ngày 15/3, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Slovenia ra quyết định đình chỉ vắc xin này.
Tính đến nay, 15 quốc gia tại châu Âuđã dừng tiêm toàn bộ hoặc một phần lô vắc xin COVID-19 của AstraZeneca do lo ngại xảy ra tình trạng đông máu, đã được ghi nhận ở Đan Mạch và Na Uy.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ngừng kế hoạch tiêm vắc xin AstraZeneca, tiếp sau đó là Indonesia.
Trước các lo ngại về biến chứng sau tiêm vắc xin AstraZeneca, hôm 12/3, Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định không có lý do để ngừng tiêm chủng loại vắc xin này.
Cùng ngày, EMA ra tuyên bố các quốc gia vẫn có thể tiếp tục tiêm vắc xin của AstraZeneca trong quá trình điều tra về khả năng gây đông máu.
Vắc xin COVID19 do hãng AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford, được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Anh và Liên minh châu Âu (EU). Tính đến 10/3, khoảng 5 triệu người ở châu Âu đã được tiêm loại vắc xin này.