|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điều tra nguyên nhân 12 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin AstraZeneca

12:15 | 13/03/2021
Chia sẻ
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP HCM, TP Hải Phòng và tỉnh Gia Lai khẩn trương xác minh thông tin, lập Hội đồng đánh giá tai biến vắc xin sau tiêm chủng, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin AstraZeneca.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công điện gửi các Giám đốc Sở Y tế: TP HCM, TP Hải Phòng và tỉnh Gia Lai báo cáo về việc điều tra, đánh giá, kết luận nguyên nhân trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xi  COVID-19 AstraZeneca

Cục Y tế dự phòng cho biết, đã nhận được một số thông tin về các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin COVID-19 tại Hải Phòng, TP HCM, Gia Lai. Bộ Y tế yêu cầu 3 cơ sở y tế khẩn trương xác minh thông tin, lập Hội đồng đánh giá tai biến vắc xin sau tiêm chủng, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.

Các trường hợp gặp phản ứng sau tiêm này hiện đều đã ổn định.

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, đến cuối giờ chiều ngày 12/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 5.248, trong đó riêng Hải Dương đã tiêm cho 2.862 người.

Các trường hợp này là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.

Ba địa phương mới triển khai từ ngày 12/3 gồm TP Đà Nẵng, tỉnh Hòa Bình, Khánh Hòa. Các tỉnh còn lại thuộc kế hoạch đợt một đang khẩn trương tổ chức tập huấn, thực hiện công tác chuẩn bị cho triển khai.

Dự kiến trong tuần tới tỉnh Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp sẽ bắt đầu triển khai vắc xin COVID-19 trên địa bàn.

Từ ngày 8/3, Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng COVID-19 được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 117.600 liều đầu tiên của hãng dược AstraZeneca. 11 nhóm người trên tuyến đầu chống dịch, nguy cơ cao mắc COVID-19 được ưu tiên tiêm trước.

Vắc xin COVID-19 do hãng AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Anh và Liên minh châu Âu.

Một số quốc gia ở châu Âu ghi nhận hiện tượng đông máu sau tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Đến nay, 9 nước châu Âu như Đan Mạch, Na Uy, Iceland... thông báo tạm dừng hoặc cấm tiêm một lô vắc xin COVID-19 của AstraZeneca để điều tra các trường hợp bị đông máu sau tiêm.

Ngày 12/3, Thái Lan trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên đình chỉ tiêm vắc xin AstraZeneca do lo ngại nguy cơ đông máu, tuy nhiên vẫn khẳng định vắc xin này "có chất lượng tốt".

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, khẳng định hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Vì vậy, chương trình tiêm chủng của Việt Nam vẫn diễn ra theo kế hoạch.


Anh Đào