|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 13/3: AstraZeneca tuyên bố vắc xin không tăng nguy cơ đông máu

07:56 | 13/03/2021
Chia sẻ
Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 13/3: Ca bệnh mới trên toàn cầu trong tuần qua tăng 7%, bộ tứ Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật hợp tác sản xuất một tỷ liều vắc xin.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (13/3) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.592 ca do lây nhiễm trong nước.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 39.606.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.086 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 48 ca; số ca âm tính lần hai là 48 ca, số ca âm tính lần ba là 91 ca. 

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 119,59 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,65 triệu người tử vong và 96,24 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 79%). 

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo AFP thống kê, ca bệnh mới trên toàn cầu trong tuần qua tăng 7%, chủ yếu ở Mỹ Latinh và châu Âu. Bắc Mỹ là lục địa duy nhất ghi nhận ca nhiễm mới giảm.

Trong khi đó, ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới giảm 3%, với Bắc Mỹ, châu Á, và châu Âu ghi nhận con số giảm. 

Hãng dược AstraZeneca khẳng định vắc xin COVID-19 của họ an toàn, sau khi một số nước đình chỉ sử dụng vắc xin này vì các sự cố liên quan đến đông máu.

"Một phân tích dữ liệu với hơn 10 triệu hồ sơ không tìm ra bất cứ bằng chứng nào cho thấy vắc xin AstraZeneca có thể làm tăng nguy cơ huyên tắc phổi hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính, lứa tuổi hay quốc gia cụ thể nào.", phát ngôn viên của AstraZeneca, có trụ sở ở Anh, ra tuyên bố hôm qua, theo AFP.

Reuters đưa tin, nhóm Bộ tứ gồm Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật sẽ cùng sản xuất một tỷ liều vắc xin COVID-19 tới năm 2022. Theo đó, Ấn Độ sẽ sản xuất vắc xin COVID-19 một liều của hãng dược Mỹ Johnson & Johnson, với sự hỗ trợ tài chính từ Nhật Bản và Australia chịu trách nhiệm vận chuyển.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 29,98 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 62.413 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.311 ca, nâng tổng số lên 545.354. Tổng số người phục hồi là hơn 22,02 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 69%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.

Tính đến hôm 12/3, Mỹ đã tiêm hơn 100 triệu liều vắc xin (gồm 50 triệu liều vắc xin Pfizer, 49 triệu liều Moderna, 900.000 liều vắc xin một mũi của Johnson & Johnson), tương đương 30% số liều vắc xin được tiêm trên khắp thế giới, theo WSJ.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 13/3: AstraZeneca tuyên bố vắc xin không tăng nguy cơ đông máu - Ảnh 1.

Một người dân đã được tiêm vắc xin COVID-19 ở Los Angeles vào đầu tháng này. (Ảnh: WSJ).

Cụ thể, 65,9 triệu dân Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều trong khi 35 triệu người đã tiêm đủ hai liều, chiếm 10,5% tổng dân số 331 triệu người. Mỹ hiện đạt tốc độ tiêm chủng khoảng 2,2 triệu liều/ngày.

Brazil hôm nay đã vượt Ấn Độ trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 84.047 và 2.152 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,36 triệu và 275.276 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.

Nước này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới khi số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trên cả nước tăng cao, khiến hệ thống y tế quá tải.

Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,33 triệu ca nhiễm và 158.483 ca tử vong, tăng lần lượt 27.512 và 157 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,97 triệu người đã khỏi bệnh.

Số ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại từ tháng 2 tại một số bang nước này, trong đó có thủ đô New Delhi.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.794 ca mắc (thấp nhất trong 5 tháng qua) và 486 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,37 triệu trường hợp, trong đó 91.220 trường hợp tử vong, và hơn 3,97 triệu người hồi phục (đạt 90%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 12/3: Nhiều nước châu Âu đình chỉ vắc xin AstraZeneca, loại Việt Nam đang sử dụng - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: AFP).

Theo số liệu do cơ quan thống kê nhà nước Rosstat công bố, số ca tử vong do COVID-19 thực tế của Nga là 131.118 người.

Azerbaijan và Namibia đã cấp phép cho vắc xin Sputnik V của Nga, nâng tổng số quốc gia đã chấp thuận vắc xin này là 51, theo The Moscow Times.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 9 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 25 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.027 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.209 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 488 ca mắc mới (cao nhất trong 19 ngày), nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 94.686 ca, trong đó có 1.662 trường hợp tử vong, và 85.743 người đã hồi phục (90%).

Ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại lên mức 400 trong ngày thứ tư liên tiếp, cao nhất trong ba tuần, theo Yonhap.

Nước này sẽ duy trì các biện pháp hạn chế hiện tại, ban đầu được ấn định sẽ hết hiệu lực vào chủ nhật này, cho đến ngày 28/3. Trừ ngoại lệ các cuộc họp riêng của những người trong một gia đình được phép có tối đa 8 người. 

Cho đến nay, khoảng khoảng 1% trong tổng số 52 triệu dân của Hàn Quốc đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên.

Quốc gia này đã phê duyệt việc sử dụng vắc xin của AstraZeneca cho những người từ 65 tuổi trở lên dựa trên các nghiên cứu mới công bố hôm thứ năm. Cơ quan y tế ban đầu loại trừ chủng ngừa cho nhóm tuổi này với lý do không đủ dữ liệu. 

Hàn Quốc đã không nhập khẩu lô vắc xin AstraZeneca mà một số quốc gia đã đình chỉ sử dụng, sau khi có báo cáo về các trường hợp bị hình thành cục máu đông và một người ở Áo tử vong sau khi tiêm chủng. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho biết vào đầu tuần này rằng không có dấu hiệu cho thấy việc tiêm chủng gây ra các sự cố trên.

Như Ý

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.