|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cập nhật KQKD ngân hàng quý II: Big4 tăng khiêm tốn, lợi nhuận nhóm cổ phần tăng mạnh

07:00 | 31/07/2024
Chia sẻ
Trong nửa đầu năm, lợi nhuận ngân hàng có sự phân hoá, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước có sự tăng trưởng yếu trong khi nhiều ngân hàng cổ phần ghi nhận lợi nhuận tăng vọt, có nơi tăng trưởng ba chữ số so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 27 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý II,  phần lớn ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý II đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. LPBank, NCB và Vietbank là những ngân hàng có mức lợi nhuận tăng cao nhất trong quý lần lượt tăng 244%, 504% và 97% so với cùng kỳ năm trước.

Trong ngày hôm nay (30/7), có thêm các ngân hàng như Vietcombank, Sacombank, MB, SHB, HDBank, OCB, Eximbank, Sacombank, Kienlongbank đã công bố báo cáo tài chính. Tính luỹ kế đến hết tháng 6, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đó là Techcombank, BIDV, MB, ACB, VPBank.

Trong 6 tháng, có 5/27 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước.

 

BIDV là ngân hàng Big4 đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận trước thuế đạt 8.159 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng, lãi trước thuế của BIDV đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12,1%. Đây là mức lợi nhuận quý kỷ lục từ trước đến nay của BIDV và cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố ở thời điểm hiện tại.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố lợi nhuận riêng lẻ trước thuế nửa đầu năm ước đạt 3.733 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động riêng lẻ của nhà băng đạt hơn 8.900 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập lãi thuần vẫn đóng góp lớn nhất khi chiếm gần 75%, đạt hơn 6.660 tỷ đồng, tăng khoảng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết ngày 30/6, tổng huy động của TPBank tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 317.700 tỷ đồng.Tỷ lệ nguồn vốn CASA đạt trên 22%. Dư nợ thị trường 1 và trái phiếu doanh nghiệp của TPBank đạt hơn 226.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. 

Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cho biết lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 152,7 tỷ đồng, tăng 284%; lợi nhuận sau thuế đạt 121,5 tỷ đồng, tăng 285%, thực hiện gần 76,4% kế hoạch cả năm. Riêng trong quý II, lãi trước thuếhợp nhất đạt 83,4 tỷ đồng, gấp gần 6 lần (tăng 486%) so với cùng kỳ năm trước. 

Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) báo lãi trước thuế nửa đầu năm 4.600 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) đạt 21%, ở nhóm cao trong ngành.Tính đến 30/6, tổng tài sản VIB đạt hơn 431.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng 5%, dư nợ tín dụng đạt gần 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu của VIB đi ngang ở mức 2,4% với tín hiệu tích cực là nợ nhóm 2 giảm gần 2.900 tỷ trong quý II và giảm 17% so với đầu năm. VIB cũng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở nhóm thấp nhất ngành và chỉ chiếm 0,2% tổng dư nợ tín dụng, toàn bộ đều thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại và tiêu dùng. 

Ngoài ra còn có Ngân hàng Việt Á (VietABank) công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận quý II đạt 332 tỷ đồng, tăng 17%, luỹ kế 6 tháng lãi 734 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - Mã: NVB) công bố kết quả kinh doanh với tổng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 7,2 tỷ đồng. Riêng trong quý II, lợi nhuận đạt 49 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước.

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của NCB đạt 103.312 tỷ đồng, tăng 7,3% so với thời điểm cuối 2023.Tiền gửi khách hàng tăng 11,1% so với cuối năm 2023 trong đó số dư tiền gửi (CASA) của khách hàng cũng tăng hơn 483 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 64.198 tỷ đồng, tăng trưởng 16%. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 13,84%, đảm bảo giới hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong kỳ, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 49,6 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng hơn 303% so với cùng kỳ năm 2023 trong khithu nhập từ kinh doanh ngoại hối giảm do biến động tỷ giá không thuận lợi.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng công bố kết quả kinh doanh vớilợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đạt 410 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước thực hiện 43% kế hoạch. Riêng trong quý II, lãi trước thuế đạt hơn 337 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.

Tín đến hết tháng 6, tổng tài sản Vietbank đạt 144.103 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng đạt gần 89.000 tỷ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm. Số dư tiền gửi khách hàng đạt 93.577 tỷ đồng, tăng 4%.

Trong quý II/2024, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.598 tỷ đồng, tăng trưởng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến này của ACB.

Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 10.491 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và thực hiện khoảng 47,7% kế hoạch năm. Lợi nhuận trong quý II cũng như nửa đầu năm của ACB tăng trưởng so với nhờ thu nhập lãi thuần tích cực. Tín dụng của ACB đã tăng trưởng 12,8% so với đầu năm, gấp đôi mức tăng chung toàn ngành.

Ngân hàng báo cáo thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm 8,1% so với cùng kỳ (giảm hơn 1.100 tỷ đồng), nhưng lại bù đắp bằng chi phí lãi giảm tới 26,9% (gần 2.000 tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế luỹ kế đạt 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank chủ yếu đến từ động lực tăng của thu nhập lãi thuần (NII), tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước đạt 18.000 tỷ đồng. Riêng quý II tăng 50,6% so với cùng kỳ đạt 9.500 tỷ đồng.

Trong quý II, Techcombank ghi nhận phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt kỷ lục 1.000 tỷ đồng, luỹ kế nửa đầu năm phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm.  

Thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Thu từ phí dịch vụ bảo hiểm đạt 384,5 tỷ đồng, tăng 32,5%  so với cùng kỳ năm trước.

Trong tuần trước cũng đã có ba ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý II bao gồm LPBank, PGBank và BaoViet Bank. Trong đó, LPBank đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng (tăng 205%). 

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - Mã: LPB) đạt lợi nhuận 3.302,5 tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 5.918,88 tỷ đồng, tăng 142%. 

Trong năm 2024, LPBank đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt mức 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Như vậy, sau 6 tháng, ngân hàng này đã thực hiện được hơn 56% kế hoạch của cả năm. 

Quý II/2024, LPBank ghi nhận kết quả tích cực nhờ thu nhập lãi thuần tăng 48,8% (tăng gần 1.200 tỷ đồng), mang về 3.645 tỷ đồng và lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng 247,5% (tăng 617 tỷ đồng), đạt 866 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí hoạt động cũng giảm 15,8% so với cùng kỳ, hỗ trợ cho lợi nhuận của LPBank. 

LPBank vừa có quý lãi cao thứ hai trong lịch sử, chỉ sau quý IV/2023. 

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) cũng vừa có quý tăng trưởng lợi nhuận đầu tiên từ khi nhóm cổ đông mới liên quan tới Tập đoàn Thành Công xuất hiện. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý II của ngân hàng đạt 151,5 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế từ đầu năm, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 267,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ. Như vậy, sau nửa năm, ngân hàng đã thực hiện được hơn 48% kế hoạch cả năm. 

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) lại báo cáo lợi nhuận trước thuế quý II giảm 1,8% so với cùng kỳ, xuống 17,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng là 25,8 tỷ đồng, tăng 4,4%. 

Theo những thông tin do BaoViet Bank công bố, tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm đạt 1.034 tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận lại không tăng trưởng nhiều do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng vẫn ở mức tương đối cao. 

Theo BaoViet Bank, chi phí hoạt động 6 tháng tăng 22% so với cùng kỳ do ngân hàng tiếp tục tập trung đầu tư cho các dự án công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số. 

Theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, lợi nhuận ngân hàng sẽ có sự phân hóa trong năm 2024. Cụ thể, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động  đã tăng nhẹ. 

Đồng thời, thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Đồng thời, chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý II.

MBS dự báo một số ngân hàng được dự báo sẽ có tăng trưởng tín dụng tốt như LPBank, VPBank, HDBank,...  có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa đầu năm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của LPBank được kỳ vọng tăng 46% trong cả năm. 

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo rằng 2024 sẽ tiếp tục là một năm tương đối thách thức với ngành ngân hàng nhưng một số tổ chức sẽ có sự cải thiện về mặt tăng trưởng lợi nhuận. 

SSI Research lại cho rằng đa số các ngân hàng trong danh sách theo dõi sẽ ghi nhận NIM ổn định hoặc cải thiện trong quý II nhờ tăng trưởng tín dụng phục hồi. Tuy nhiên, cũng có hai ngân hàng là MSB và OCB được dự báo có tăng trưởng âm.

Minh Quang