Cảnh báo chiêu trò lách thuế chống bán phá giá thép
Đủ chiêu né thuế, vô hiệu hóa chính sách
Ngay khi Bộ Công Thương áp dụng chính sách thuế chống bán phá giá từ tháng 9/2014, Cục Quản lý Cạnh tranh của Bộ này đã phát đi cảnh báo trên thị trường đã xuất hiện tượng các DN giả mạo, khai báo sai xuất xứ hàng hóa (C/O) để lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, lẩn tránh thuế chống bán phá giá là hành vi lẩn tránh nguồn gốc hàng hóa bán phá giá nhằm gây trở ngại trong việc truy thu thuế chống bán phá giá đối với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu.
Hành vi lẩn tránh thuế bao gồm: thay đổi hàng hóa thuộc đối tượng điều tra chống bán phá giá; chuyển toàn bộ, hoặc một phần quá trình sản xuất/gia công của sản phẩm đó từ nước đang bị áp thuế chống bán phá giá sang nước không bị áp thuế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng năng lực sản xuất thép không gỉ cán nguội đã đáp ứng nhu cầu. |
Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều biện pháp ngăn chặn, trong đó công bố danh mục hàng hóa rủi ro về xuất xứ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Trong đó, có sản phẩm thép không gỉ cán nguội, với rủi ro được lưu ý là: né tránh thuế chống bán phá giá của VN bằng việc giả mạo, hợp thức hóa hồ sơ, khai báo sai xuất xứ so với thực tế là: Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia và Malaysia
Theo các chuyên gia về thép, một trong những chiêu gian lận thường được các DN sử dụng là khi nhập khẩu thép không gỉ thành phẩm cán nguội (đối tượng bị áp thuế chống bán phá giá), các DN khai báo dưới dạng FullHard (thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc ở dạng tấm nhưng không được ủ hoặc xử lý nhiệt). Lý do khai như vậy vì quyết định của Bộ Công Thương loại trừ mặt hàng này và nếu không có kinh nghiệm thì không thể phân biệt thép được ủ hay không hoặc đã được xử lý nhiệt hay không.
Mặt khác, DN khai thép không gỉ cán nguội thành thép không gỉ cán nóng, thép hộp, thép thanh,... Đồng thời, khai sai xuất xứ nhập khẩu lẽ ra từ Trung Quốc được chuyển sang xuất xứ Hàn Quốc, hoặc những quốc gia khác không bị áp thuế chống bán phá giá nên chỉ bị áp thuế suất nhập khẩu thép không gỉ cán nguội 10% và trốn thuế chống bán phá giá từ 17% đến 25%.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Tổng cục Hải quan đang điều tra và đưa vào “dành sách đen” những công ty có dấu hiệu trốn thuế và toàn bộ hàng thép nhập tại tất cả cảng như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Nam Định,...
Nếu không có biện pháp quyết liệt hơn thì chính sách thuế chống bán phá giá sẽ bị vô hiệu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước.
Thực tế, dù đã áp dụng các biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm thép, nhưng thép nhập ngoại vẫn ồ ạt vào Việt Nam. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, 6 tháng đầu năm, lượng thép các loại nhập khẩu vẫn lên tới hơn 5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có hơn 1,6 tỷ USD.
Thận trọng thu hút đầu tư
Ngoài gian lận khâu nhập khẩu để tránh thuế chống bán phá giá, nhiều chuyên gia cũng lưu ý cần thận trọng với việc DN thép nước ngoài, điển hình như Trung Quốc, đã đầu tư nhà máy ở chính Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, việc một số DN Trung Quốc chạy sang đầu tư nhà xưởng để sản xuất ở VN nhằm 2 mục tiêu: tránh thuế chống bán phá giá của Việt Nam, tránh thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác, vì sản phẩm này của Trung Quốc bị Mỹ và châu Âu áp thuế chống bán phá giá lần lượt là 57-193% và 25%.
Cách đây không lâu, một số DN sản xuất thép không gỉ lớn nhất Trung Quốc đã phối hợp xin đầu tư dự án sản xuất thép không gỉ có công suất 300.000 tấn/năm tại Đồng Nai, loại thép mà Việt Nam đang áp thuế chống bán phá giá.
Trước tình hình đó, Bộ KH-ĐT đã gửi văn bản tới UBND tỉnh Đồng Nai cảnh báo việc thu hút các dự án thép không gỉ cán nguội. Theo cơ quan này, nhu cầu thép không gỉ trong nước không cao, năm 2016 khoảng 200.000 tấn, trong khi tổng công suất thiết kế đã đạt 300.000 tấn/năm. Như vậy, cung đã gấp 1,5 lần nhu cầu thực tế.
Dự báo, thời gian tới thị trường thép không gỉ tăng trưởng khoảng 10%/năm, đến năm 2020, nhu cầu trong nước khoảng 290.000 tấn. Như vậy, với năng lực sản xuất trong nước hiện nay vẫn có thể đáp ứng nhu cầu thép không gỉ cán nguội đến năm 2020, thêm vào đó, các DN trong nước đang có kế hoạch mở rộng sản xuất.
Về thị trường xuất khẩu thép không gỉ cán nguội, Bộ KH-ĐT cho rằng, khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều nhà sản xuất lớn, lượng cung đã vượt cầu. Do đó, việc xuất khẩu sang thị trường này là khó khăn. Đối với thị trường Mỹ và châu Âu, mức độ cạnh tranh cũng rất khốc liệt. Để bảo vệ sản xuất trong nước, các thị trường này có thể áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội sản xuất tại Việt Nam.
“Phân tích trên cho thấy, việc tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ cán nguội sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN, giảm hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN ở trong nước và xuất khẩu”, văn bản của Bộ KH-ĐT nêu rõ.
Vì vậy, Bộ KH-ĐT đề nghị Đồng Nai cân nhắc việc thu hút các dự án đầu tư thép không gỉ cán nguội trong giai đoạn đến năm 2020.
Sự thận trọng của Bộ KH-ĐT trong việc đầu tư các dự án thép mà Việt Nam có thế mạnh như thép không gỉ cán nguội là cần thiết.
Một chuyên gia của Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: Giờ các nhà đầu tư trong nước có đủ khả năng để xây dựng những cơ sở sản xuất thép với quy mô lớn khoảng 5-6 triệu tấn/năm. Vì thế, nên chỉ nên khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực chúng ta chưa sản xuất được, đó là thép hợp kim, thép chất lượng cao phục vụ cho sản xuất cơ khí cũng như những ngành kỹ thuật khác.