|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Được và mất từ chính sách kiểm soát sở hữu ngoại tệ của Trung Quốc trong 'canh bạc' chiến tranh thương mại

16:58 | 06/06/2019
Chia sẻ
Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ việc sở hữu, mua - bán và trao đổi đồng USD đối với các công dân, công ty, ngân hàng nhằm đối đầu với việc đồng USD mạnh lên và CNY đang yếu dần đi.
Được và mất từ chính sách kiểm soát sở hữu ngoại tệ của Trung Quốc trong canh bạc chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Ảnh: Kyodo

Quyết định kiểm soát dòng vốn chỉ rõ tình trạng nguy hiểm của nền kinh tế Trung Quốc

Theo South China Morning Post, trong khi Chính phủ Trung Quốc sử dụng các biện pháp để hạn chế lượng ngoại tệ mà công dân nước này có thể tích trữ thì các ngân hàng và doanh nghiệp trong nước lại càng gặp khó khăn hơn trong việc thu mua đồng USD. Bởi vì cuộc chiến thương mại Mỹ -  Trung không chỉ cản trợ khả năng tăng thu nhập bằng USD từ xuất khẩu mà còn tác động đến thiện chí cho vay của các ngân hàng nước ngoài đến một nền kinh tế đang chững lại như Trung Quốc.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thuyết phục công chúng rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và năng lực của nhà hoạch định chính sách sẽ đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính quốc gia và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, quyết định tăng cường kiểm soát dòng vốn của Bắc Kinh sẽ chỉ rõ tình trạng nguy hiểm của nền kinh tế Trung Quốc. Sự bất ổn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng được phản ánh bởi tình trạng miễn cưỡng cho vay vốn của các tổ chức tài chính nước ngoài và nỗi bất an của người dân Trung Quốc.

Những trường hợp các cá nhân bị từ chối cấp phép mua đồng USD tại các ngân hàng Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên, trong đó có một vụ liên quan đến cựu cố vấn ngân hàng trung ương Yu Yonding.

"Mọi người đang nghĩ nếu tương lai của nền kinh tế Trung Quốc mạnh mẽ và ổn định đến thế, tại sao họ lại không được phép mua đồng USD", ông Michael Every, chiến lược gia cao cấp của Rabobank ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tự hỏi. "Điều khó khăn là khi càng kiểm soát vốn gắt gao thì càng nhiều người muốn tích trữ đồng USD hơn".

Cục Quản lí Ngoại hối Nhà nước (SAFE) chỉ cho phép mỗi công dân Trung Quốc trao đổi và rút đến 50.000 USD/năm bằng ngoại tệ, dưới dạng trả một lần hoặc trả góp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp và cá nhân tại Trung Quốc vẫn phải đối mặt với rào cản lớn về hạn ngạch trong khâu kiểm tra hồ sơ cũng như thời điểm và cách thức ngoại tệ được sử dụng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang giám sát kĩ lưỡng hoạt động rút ngoại tệ từ 3.000 USD trở lên trong bất kì giao dịch nào, thay vì mức 5.000 USD trước đó.

Trung Quốc cũng đặt ra các qui định nhằm cấm một số ngân hàng cho phép khách hàng sử dụng chuyển khoản bằng ngoại tệ để đầu cơ, mua bảo hiểm, chứng khoán hoặc căn hộ sang trọng ở các thành phố như Vancouver và San Francisco.

Các doanh nghiệp cũng phải có sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc để mua bất động sản ở nước ngoài và đơn phê duyệt thường khó có thể thực hiện, trừ khi tài sản mua lại thuộc hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Chuyển tiền ra nước ngoài cũng bị hạn chế đối với các "hoạt động kinh doanh bình thường và hợp pháp" như du lịch, học tập và chăm sóc y tế. Hôm 4/6, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra khuyến nghị công dân Trung Quốc nên hạn chế đến Mỹ, theo đó trích dẫn nguyên nhân là các vụ sả súng, cướp bóc và quấy rối. Đây được xem là "phát đạn" mới trong cuộc chiến thương mại với Washington.

Vào tháng 5, trong một tiết lộ về các trường hợp bị xử phạt liên quan đến ngoại hối, SAFE đã liệt kê và chỉ trích 17 ngân hàng, công ty và cá nhân cố gắng chuyển tiền bất hợp pháp ra khỏi Trung Quốc.

Trong đó, một người đàn ông họ Hong đã bị phạt 24,97 triệu nhân dân tệ (3,6 triệu USD) vì tích trữ ngoại hối trị giá 312 triệu nhân dân tệ (45,2 triệu USD) để mua nhà ở nước ngoài trong giai đoạn 2/2011 - 10/2015.

Bắc Kinh kìm chế dòng vốn để tránh tình trạng biến động về kinh tế và tài chính?

Bắc Kinh đang kiềm chế dòng chảy vốn để sẵn sàng đối mặt với khả năng biến động về kinh tế và tài chính xảy ra, đặc biệt là nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ tại cuộc họp G-20 vào cuối tháng 6 này. Kết quả tệ nhất là Tổng thống Trump sẽ áp quan 25% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 7. Lượng hàng hóa trên hiện chưa phải chịu lệnh trừng phạt từ Chính quyền Tổng thống Trump.

"Trung Quốc đang hạn chế vốn chảy ra ngoài. Mỗi khi họ cố gắng đưa dòng vốn ra ngoài, thị trường trong nước sẽ trở nên biến động và buộc Trung Quốc phải chấm dứt tình trạng này ngay lập tức", nhà kinh tế trưởng Kevin Lai của công ty Daiwa Capital Market khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản), cho hay.

Nhu cầu USD trong nước, cùng với việc thị trường vốn toàn cầu ngày càng cảnh giác về nguồn cung vốn bằng đồng USD cho các ngân hàng Trung Quốc, đang làm gia tăng khả năng hệ thống tài chính của Trung Quốc bị thiếu đồng USD.

Bắc Kinh không thể ngừng hỗ trợ cho hệ thống tài chính do đâu?

Một trong những yêu cầu chính của Washington trong đàm phán thương mại là Chính phủ Trung Quốc phải hạn chế hỗ trợ cho nền kinh tế và hệ thống tài chính của nước này.

Trong một nghiên cứu công bố trên chuyên trang nghiên cứu fintech Smartkarma, nhà phân tích John-Paul Smith nhận định, nếu Bắc Kinh thực hiện yêu cầu của Mỹ, điều đó sẽ gây ra hậu quả mang tính hệ thống, khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả "ngã ngựa" mà không có sự can thiệp của Nhà nước.

Chẳng hạn, vào tháng trước, cơ quan quản lí ngân hàng của Trung Quốc đã cứu trợ ngân hàng thương mại Baoshang Bank (BB) bởi ngân hàng này đã sụp đổ vì rủi ro tín dụng lớn sau khi phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua.

Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đảm bảo rằng BB là trường hợp nhận được cứu trợ duy nhất, vụ việc lại củng cố mối lo ngại về rủi ro tài chính ở Trung Quốc.

Được và mất từ chính sách kiểm soát sở hữu ngoại tệ của Trung Quốc trong canh bạc chiến tranh thương mại - Ảnh 2.

Quảng trường trước PBoC (Nguồn: SCMP).

Trung Quốc đang "khát" USD vì chiến tranh thương mại, nhưng không thể làm gì hơn

Cuộc chiến thương mại làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn theo cấp số nhân nếu Trung Quốc không thể kiếm đủ USD từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích.

Nhu cầu nội địa cho đồng USD đã tăng lên đáng kể do các nhà xuất khẩu Trung Quốc không muốn mang lượng USD kiếm được về Trung Quốc do lo ngại về sự mất giá của đồng nhân dân tệ và căng thẳng thương mại leo thang.

Trong nhiều năm, đồng USD đã xâm nhập vào thị trường Trung Quốc dưới vai trò là công cụ thanh toán cho hàng xuất khẩu giá rẻ cũng như theo con đường đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng phụ thuộc vào lượng USD mà họ kiếm được để chi trả cho nguyên liệu thô và công nghệ để sản xuất hàng hóa, cũng như để đầu tư ở thị trường nước ngoài.

Dự trữ ngoại hối bằng đồng USD của Trung Quốc đã chạm định, vượt 4.000 tỉ USD.

Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ trở nên yếu đi vào năm 2015, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chững lại. PBoC buộc phải bỏ ra 1.000 USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nhân dân tệ và hệ thống tài chính sau khi phá giá đồng nhân dân tệ gần 3% so với đồng USD chỉ trong hai ngày, khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang về thị trường tái chính toàn cầu.

Dự trữ ngoại hối PBoC đã ổn định ở mức khoảng 3.100 tỉ USD trong những năm gần đây, phần lớn là các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát vốn và kiều hối của Trung Quốc.

Yên Khê