Giấc mơ 'quốc tế hoá đồng nhân dân tệ' của Trung Quốc sắp đâm vào ngõ cụt?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn có một đồng tiền đủ mạnh và ổn định để đóng vai trò ngày càng lớn trong hoạt động thương mại toàn cầu. Nhưng sự trở lại của ông Donald Trump có vẻ sẽ thách thức tham vọng đó.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực quốc tế hoá đồng nhân dân tệ. Đây là một phần trong tham vọng lớn của ông Tập nhằm biến Trung Quốc thành một cường quốc tài chính toàn cầu.
Bắc Kinh đã đạt được một số thành công trong việc phổ biến đồng nhân dân tệ ở nước ngoài. Song, họ coi một đồng tiền ổn định mới là chìa khoá cho thành công.
Đồng nhân dân tệ (ký hiệu là CNY) có nguy cơ tụt giá trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump và mối đe doạ về một cuộc chiến thương mại khác đang thúc đẩy các khoản đặt cược chống lại đồng tiền này.
So với cuộc thương chiến trước đó, đồng nhân dân tệ hiện nay dễ bị tổn thương hơn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc đang thấp hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Đồng thời, các công ty nước ngoài đang rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng không đồng đều và nỗi lo giảm phát có thể sẽ kéo lãi suất xuống thấp hơn nữa.
“Áp lực tụt giá của đồng nhân dân tệ có khả năng sẽ gia tăng”, nhà kinh tế Adam Wolfe của hãng nghiên cứu Absolute Strategy Research nhận định trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Theo vị chuyên gia, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) “có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng nhân dân tệ trong một khoảng thời gian do lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính nếu đồng tiền này sụt giá mạnh hơn”.
Tuy nhiên, nếu một cuộc thương chiến mới nổ ra, PBoC có thể sẽ cho phép đồng nhân dân tệ mất giá mạnh hơn để bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc và nâng cao vị thế đàm phán của Bắc Kinh.
Logic nói trên đang khuyến khích các nhà giao dịch tăng cường đặt cược chống lại đồng nhân dân tệ. Trên thị trường trong nước, đồng nhân dân tệ đã tụt xuống mức thấp nhất trong ba tháng vào ngày 14/11.
Các nhà phân tích dự đoán trong năm 2025, đồng nhân dân tệ sẽ đâm thủng đáy 17 năm so với đồng USD. Một số người bi quan đến mức dự đoán đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 10%.
Gã khổng lồ ngân hàng Pháp BNP Paribas ước tính tỷ giá USD/CNY sẽ ổn định quanh mức 7,5 nếu ông Trump triển khai kế hoạch đánh thuế 60% lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà phân tích của UBS dự đoán tỷ giá USD/CNY sẽ dao động trong khoảng 7,6 - 7,7 vào năm tới và Societe Generale cho biết tỷ giá có thể sẽ duy trì quanh mức 7,4 trong quý II.
Một số khác còn đưa ra dự đoán táo bạo hơn. Chẳng hạn, Jefferies Financial Group dự kiến đồng nhân dân tệ sẽ giảm còn 8 CNY đổi 1 USD vào năm 2025.
Lần cuối cùng đồng nội tệ của Trung Quốc rơi xuống mức này là vào năm 2006, khi ông George W. Bush đang làm tổng thống Mỹ, Twitter chỉ mới ra đời vài tháng và quy mô nền kinh tế tỷ dân nhỏ hơn Đức.
Theo các nhà phân tích, để đồng nhân dân tệ suy yếu là phản ứng nhẹ nhàng nhất của PBoC và động thái này có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc nếu Mỹ tăng thuế quan.
Song, cuộc tranh luận thực sự của giới chuyên gia là PBoC sẽ cho phép đồng nhân dân tệ sụt giá bao nhiêu và với tốc độ như thế nào.
Trong quá khứ, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình từng thực hiện một đợt phá giá đồng nhân dân tệ vào năm 2015, khi PBoC cho phép tỷ giá tham chiếu hàng ngày giảm 1,9%.
Hành động đó khiến dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc và làm giảm dự trữ ngoại hối của nước này. Đồng thời, động thái đó còn củng cố lập luận của Mỹ rằng Trung Quốc là nước “thao túng tiền tệ”.
“Phá giá đồng nhân dân tệ sẽ làm tăng áp lực kinh tế và nợ nần tại Trung Quốc, cũng như làm tăng rủi ro bị gắn mác là nước thao túng tiền tệ”, chiến lược gia Charu Chanana của Saxo Markets cho hay.
Bà Chanana cảnh báo cách làm này sẽ gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã bất ổn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng khả năng cao là PBoC sẽ cho phép đồng nhân dân tệ giảm từ từ và sử dụng các biện pháp đáp trả ít trực diện hơn.
Trong vài năm qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tinh tỉnh bộ công cụ của mình khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng nhanh lãi suất và gây ảnh hưởng đến hầu hết các đồng tiền trên thế giới.
Một số công cụ của PBoC gồm thiết lập tỷ giá tham chiếu mạnh hơn, điều chỉnh lượng ngoại tệ mà các ngân hàng cần dự trữ so với lượng tiền gửi, và khuyến khích các ngân hàng nhà nước điều tiết thanh khoản trên thị trường nước ngoài.
Gần đây, một số ngân hàng nhà nước cũng sử dụng các giao dịch hoán đối ngoại hối như một công cụ để hỗ trợ đồng nhân dân tệ.
Trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến 15/11, PBoC đã thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức cao hơn dự kiến. Động thái này cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương có vẻ không hài lòng với đà giảm gần đây của đồng nhân dân tệ.
Trong cùng giai đoạn, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc còn bán ra USD ở thị trường trong nước, Bloomberg thông tin thêm.
PBoC đã tung ra một loạt các biện pháp kích thích tiền tệ vào cuối tháng 9. Sau đó, các cơ quan khác thuộc chính phủ Trung Quốc cũng nối gót để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Các chuyên gia cho biết nếu gói kích thích thành công, nó sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế tỷ dân trước những cú sốc từ thuế quan của chính quyền ông Trump.
Trớ trêu thay, hành động ngăn chặn cú trượt giá của đồng nhân dân tệ có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ chủ nhân Nhà Trắng tương lai.
Vị tổng thống đắc cử muốn một đồng USD yếu hơn, nhờ đó hàng hoá của Mỹ sẽ rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Dù vậy, các ngân hàng Phố Wall cho rằng ông Trump khó có thể đạt được mong muốn của mình.