Đồng nhân dân tệ suy yếu, nguy cơ nào đối với các doanh nghiệp Trung Quốc?
Ảnh minh hoạ.
Theo đưa tin từ CNBC, biến động của đồng nhân dân tệ (CNY) được coi là một chỉ số quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được các nhà đầu tư theo dõi sát sao.
Ngày 30/5, theo giờ giao dịch châu Á, 1 USD có giá 6,9 nhân dân tệ ở thị trường trong nước và 6,92 nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài, sát với ngưỡng 7 nhân dân tệ. Các chuyên gia cho rằng đây là mốc mang tính chất tâm lí và thị trường có thể phản ứng nếu đồng CNY giảm xuống dưới mức này.
Đồng nhân dân tệ yếu là một trong những vấn đề tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc khi Tổng Thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc giữ giá đồng tiền của họ ở mức thấp. Một đồng nhân dân tệ yếu hơn làm cho xuất khẩu của Trung Quốc hấp dẫn hơn, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng việc đồng nội tệ suy yếu nhanh chóng cũng có thể khiến các nhà đầu tư chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc. Họ nói rằng Bắc Kinh có thể xử lí bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ hơn nhằm hạn chế dòng vốn chảy ra.
Chuyên gia kinh tế Trung Quốc của J.P Morgan đã trích dẫn một sự kiện tương tự vào năm 2015, khi đó lo ngại đồng nhân dân tệ suy yếu đã ảnh hưởng đến tâm lí thị trường và dẫn đến vốn chảy ra. Việc trượt giá tiền tệ cũng sẽ gây tổn hại cho các công ty Trung Quốc, cũng như việc thúc đẩy sử dụng đồng nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế.
Các nhà phân tích khác đã cảnh báo rằng đồng nhân dân tệ suy yếu cũng có thể làm tổn thương các nền kinh tế châu Á khác.
Chuyên gia kinh tế Arthur Lau tại PineBridge Investments cho biết đồng nhân dân tệ suy yếu có thể ảnh hưởng đến các loại tiền tệ trong khu vực và dẫn đến chi phí cao hơn cho những người nắm giữ trái phiếu bằng USD. Những nhà phát triển bất động sản Trung Quốc là nhóm có tỉ lệ nợ ngoại tệ khá lớn so với các lĩnh vực khác.
"Một đồng nhân dân tệ suy yếu có thể đè nặng lên các loại tiền tệ trong khu vực. Đồng nội tệ yếu hơn đồng nghĩa với chi phí nợ cao hơn đối với trái phiếu bằng USD", ông nói trong một lưu ý.
Cùng với đó, xu hướng "quốc tế hoá" đồng nhân dân tệ cũng chịu ảnh hưởng từ diễn biến này. Trước đó, Trung Quốc đã có hành động để đưa đồng nhân dân tệ vào thị trường chứng khoán, vào MSCI, thị trường trái phiếu, ông Goh - chuyên gia của ANZ Bank cho biết.
Khi tài sản của Trung Quốc ngày càng mở rộng giao dịch trên thị trường toàn cầu thì sẽ càng có nhiều người nước ngoài sẽ cần giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, đó là mục đích của động lực quốc tế hóa. Tuy nhiên, một đồng nhân dân tệ yếu cũng sẽ làm giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Vì vậy, "nếu đồng nhân dân tệ suy yếu quá nhiều có thể khiến toàn bộ xu hướng quốc tế hóa gặp rủi ro", theo ông Goh.
Các nhà phân tích ước tính rằng khi cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc được đưa vào chỉ số Bloomberg Barclays thì Trung Quốc sẽ thu hút khoảng 150 tỉ USD nước ngoài, khoảng 13 nghìn tỉ USD từ thị trường trái phiếu. Cùng với đó, việc đưa vào MSCI cũng hứa hẹn sẽ thu hút hàng tỉ dòng vốn.