|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lợi hại gì khi tỷ giá đô la tăng, nhân dân tệ giảm?

08:07 | 20/05/2019
Chia sẻ
Tỷ giá xáo trộn mạnh từ đầu tháng 5 khi đô la (USD) liên tục leo thang, tăng tới hơn 200 đồng/USD, đồng nhân dân tệ (CNY) lại giảm mạnh.
Lợi hại gì khi tỷ giá đô la tăng, nhân dân tệ giảm? - Ảnh 1.

Chuyên gia lo ngại, đồng nhân dân tệ (CNY) giảm kéo dài sẽ không khuyến khích doanh nghiệp sản xuất mà thay vào đó là nhập khẩu

USD đã tăng mạnh hơn 200 đồng

Cuối tuần qua, tất cả các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh giá USD, phổ biến từ 80-100 đồng/USD so với phiên trước đó. Giá USD ngân hàng mua vào tính đến cuối tuần qua quanh mức 23.280 đồng/USD đến 23.370 đồng/USD. Trong khi đó, ở chiều ngân hàng bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 23.420 đồng/USD, giá bán cao nhất đang ở mức 23.460 đồng/USD.

Trên thực tế, tính từ đầu năm tới nay, giá USD tại hệ thống ngân hàng đã tăng tổng cộng 205 đồng/USD (tương đương tăng 0,88%).

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Tỷ giá tăng hiển nhiên là do cuộc chiến tranh thương mại, đồng CNY mất giá mạnh đã tác động đến tỷ giá VND với USD”. 

Giữ USD không có lợi
Chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín cho rằng, thời điểm này người dân giữ USD sẽ không có lợi do biến động tỷ giá cả năm chỉ khoảng 2% trong khi gửi ngân hàng không có lãi. Còn nếu gửi tiền đồng thì lãi suất 6-7%/năm. Do đó, giữ USD hiện nay không có lợi trừ khi để dành đi du lịch, du học, chữa bệnh…

Thực tế, sau khi Mỹ áp dụng tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (từ ngày 10/5) đồng CNY lập tức mất giá 0,8% so với USD lên 6,787 CNY/USD. Ngày 14/5, CNY tiếp tục mất giá lên 6,836 CNY/USD. Động thái trên khiến tỷ giá giữa tiền đồng và CNY có những thay đổi đáng kể. Tại ngân hàng, cuối tuần qua mỗi CNY đổi được 3.424 đồng, thấp hơn 0,21% so với đầu tháng 4. Và việc tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD tăng lên chính là nhằm quân bình tỷ giá giữa các cặp tiền tệ.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC bổ sung, trước đó các ngân hàng đã bán USD cho Ngân hàng Nhà nước do chờ đợi luồng tiền đầu tư gián tiếp sẽ đổ mạnh vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến thực tế lại không như dự đoán của các ngân hàng. Và sau đó các ngân hàng đã phải mua lại USD cân bằng trạng thái ngoại tệ. Điều này cũng đã gây áp lực lên thị trường.

CNY mất giá, lo ngại “làn sóng” nhập khẩu

Trở lại tác động qua lại giữa USD, CNY và tiền đồng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, giá USD tăng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ và những thị trường thanh toán tiền hàng bằng USD nhưng rất nhiều doanh nghiệp quan tâm tới CNY do giao thương hai chiều hàng năm đều rất lớn bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. CNY mất giá so với tiền đồng sẽ khiến hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ đi, trong đó gồm cả hàng gia dụng và nguyên liệu sản suất. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ không khuyến khích doanh nghiệp sản xuất mà thay vào đó là nhập khẩu. Thực tế, chia sẻ với PV Báo Giao thông, chủ tịch một công ty nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc cho biết, đã thông báo với đối tác về việc giá CNY giảm để điều chỉnh giá trong các hợp đồng từ tháng 6 tới.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 4, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/4/2019 và thời điểm 17/4/2019, tác động làm CPI chung tăng 0,41%. Trong tháng 5, giá xăng dầu hai lần điều chỉnh với một lần tăng và một lần giảm với mức tăng chung cuộc gần 400 đồng. Dự kiến, chỉ số CPI tháng 5 cũng sẽ chịu tác động từ mặt hàng này cùng với tác động của giá điện do đợt điều chỉnh hồi tháng 3 vừa qua. Chỉ số USD tuy không được tính vào rổ hàng hóa tính CPI nhưng khi USD tăng giá sẽ khiến một số mặt hàng nhập khẩu được thanh toán bằng USD như hoa quả, dược phẩm, ô tô... lên giá.

Về điều hành tỷ giá để hạn chế tác động tới nền kinh tế, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong trường hợp muốn giữ ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tính đến phương án bán ra USD, đồng nghĩa với hút tiền đồng về. “Nếu tình huống này xảy ra, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ phải tính toán để có động thái bơm ròng vốn qua kênh OMO (thị trường mở) và kênh tín phiếu để giữ thanh khoản ổn định, tránh việc tăng cao đột biến của lãi suất liên ngân hàng”, BVSC nhận định.

Trong báo cáo Ngân hàng Nhà nước vừa gửi Quốc hội, cơ quan này khẳng định điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý và chủ động truyền thông. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường, bao gồm cả bán ngoại tệ kỳ hạn để định hướng kỳ vọng thị trường và hỗ trợ thanh khoản tiền đồng. Trong tuần từ 6-10/5, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng ra thị trường 24.111 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Cao Sơn