|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung 'hạ gục' thị trường đậu nành

16:24 | 10/05/2019
Chia sẻ
Đậu nành, một mặt hàng nhạy cảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 8 USD/giạ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vì bất ổn gia tăng trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước này.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ gục thị trường đậu nành - Ảnh 1.

Đậu nành là loại nguyên liệu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Theo Financial Times, sự sụt giảm của giá đậu nành diễn ra song song với cuộc bán tháo qui mô lớn trên thị trường tài chính vào hôm 9/5, với việc chứng khoán Mỹ giảm khoảng 1% vào giữa ngày và lãi suất dài hạn của chính phủ Mỹ giảm xuống dưới lãi suất ngắn hạn. Đây là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang lo ngại về triển vọng kinh tế.

Kế hoạch tăng thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump trong tuần này đã dập tắt hi vọng về một thỏa thuận và kích thích bán tháo.

Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới khi sử dụng nguyên liệu này làm thức ăn cho gia cầm và heo.

Trong quá khứ, Mỹ đã bán phần lớn lượng đậu nành xuất khẩu của họ cho Trung Quốc, thu về 12 tỉ USD một năm.

Trung Quốc đã đánh thuế 25% lên đậu nành có nguồn gốc từ Mỹ vào tháng 7 năm ngoái, theo đó nhắm đến nông dân tại khu vực nông thôn đã bỏ phiếu cho ông Trump nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Hành động trả đũa qua lại này đã trì hoãn đậu nành Mỹ xuất sang Trung Quốc trong nhiều tháng, cho đến khi đàm phán được nối lại vào tháng 12/2018 khiến Trung Quốc mua khoảng 13 triệu tấn đậu nành để thể hiện thiện chí của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tình hình căng thẳng thương mại leo thang như hiện tại có thể ngăn chặn việc Trung Quốc mua hàng vì nông dân Mỹ đang dự trữ lượng đậu nành lớn kỉ lục. "Vấn đề chiến tranh thương mại chưa được giải quyết đang đeo bám trên thị trường", ông Michael Cordnonnier, Chủ tịch công ty tư vấn Soybean & Corn Advisor tại Illinois, nhận định.

Trên sàn giao dịch Chicago, giá đậu nành giao tháng 5 giảm 2,3% xuống 7,95 USD/giạ, mức thấp nhất trong một tháng kể từ tháng 12/2008.

Toàn bộ hợp đồng giao sau đã giảm, với hợp đồng giao sau thu hoạch vào tháng 11 đã giảm xuống 8,30 USD/giạ. Hầu hết nông dân không thể hòa vốn với mức giá như vậy.

Một phân tích của Đại học Iowa ước tính chi phí cho mỗi giạ đậu nành thuộc các giống phổ biến dao động từ 8,86 USD đến 9,21 USD.

"Ngày càng nhiều khách hàng nhận ra rằng tình hình tài chính hiện tại của họ có thể không cho phép họ mua hàng trong tương lai", một nhân viên ngân hàng tại Nebraska cho hay.

Giá thấp có thể khiến nông dân ngần ngại gieo trồng mùa vụ đậu nành mới, mặc dù phần lớn trong số họ đã mua hạt giống cho năm nay.

Thị trường đậu nành còn phải đối mặt với những thách thức khác. Chẳng hạn, sự lây lan của dịch tả heo châu Phi đã khiến hàng loạt đàn heo ở Trung Quốc bị tiêu hủy.

"Khi đàn heo sụt giảm nghiêm trọng, xu hướng nhập khẩu hàng hóa theo cấp số nhân, đặc biệt là đậu nành, trong hai thập kỉ qua có thể dừng lại đột ngột", ông Josef Schmidhuber, nhà phân tích tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), viết trong một báo cáo được công bố hôm 9/5.

FAO ước tính lượng thức ăn chăn nuôi từ đậu nành tại Trung Quốc sẽ giảm từ 101,5 triệu tấn trong năm nay xuống 98,4 triệu. 

Trần Nam Thi