Cảng Hải Phòng dự kiến huy động vốn từ ba nhà đầu tư chiến lược để đầu tư bến cảng container 3 và 4
Sáng 29/6, CTCP Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Cần hơn 1.600 tỷ đồng đầu tư năm 2023, tập trung vào bến cảng container số 3 và số 4
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 2.540 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 890 tỷ đồng, tương đương năm ngoái.
Mức chia cổ tức cho năm 2022 và năm 2023 dự kiến đều là 4% vốn điều lệ (400 đồng/cp), tương đương số tiền cần chi cho mỗi năm gần 131 tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư, công ty mẹ Cảng Hải Phòng dự kiến cần 1.658 tỷ đồng để đầu tư, trong đó phần lớn để đầu tư mở cảng, tập trung hoàn thiện các dự án đã triển khai trong năm 2022 và một số công việc quan trọng trong năm 2023 như dự án mua sắm xe, khung cẩu, đầu tư xây dựng bãi giáp Nhà đội cơ giới, cần trục Cảng Tân Vũ.
Đặc biệt, dự án Đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòngg (tại Khu bến cảng Lạch Huyện) được xác định là một trong những dự án trọng điểm của công ty.
Tại đại hội, ông Hà Vũ Hào, Phó Tổng Giám đốc công ty đã cập nhật về tiến độ dự án bến container số 3 và số 4. Tại gói thầu EC: Khảo sát toàn bộ dự án; thiết kế và thi công xây dựng cầu cảng, nạo vét, kè sau cầu, san lấp, đường bãi thuộc bước 1, tính đến hết tháng 6, công ty đã hoàn thành lựa chọn xong nhà thầu.
Nhà thầu được chọn là Liên danh CTCP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - CTCP Tư vấn xây dựng Công trình thủy với giá hợp đồng hơn 3.032 tỷ đồng, thời gian thực hiện 28 tháng.
Tính đến nay, công ty đã hoàn thành khảo sát địa hình, địa chất phục vụ lập thiết kế bản vẽ thi công và hoàn thành lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán gói thầu. Các công việc thi công các hạng mục kè sau cầu, san lấp tạo bãi, bến công vụ đạt khoảng 33% giá trị gói thầu.
Tính đến cuối tháng 6, PHP đã giải ngân 775 tỷ đồng cho dự án bến cảng container 3 và 4.
Trước mắt trong năm 2023, công ty dự kiến giải ngân 1.500 tỷ đồng. Nếu kịp tiến độ, các bến tàu số 3, số 4 có thể đưa vào khai thác trong quý IV/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
ĐHĐCĐ thông qua việc công ty sẽ vay vốn tối đa 3.820 tỷ đồng (55% tổng mức đầu tư của dự án) từ Ngân hàng BIDV để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4. Thời gian cấp tín dụng tối đa 180 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Toàn bộ tài sản gắn liền với đất, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải hình thành của dự án được sử dụng là tài sản đảm bảo.
Lãnh đạo PHP cho biết, dự án xây dựng bến cảng container số 3 và số 4 dự kiến cần nguồn vốn khoảng 6.946 tỷ đồng. Trong đó công ty dự kiến 45% là vốn tự có, còn lại là vốn vay. Hiện tại vốn điều lệ của PHP là 3.269 tỷ, theo kế hoạch sẽ gọi vốn để tăng thêm 20% nữa (tức chào bán khoảng 65 triệu cổ phiếu). Nếu thành công, vốn điều lệ của PHP sẽ tăng lên 3.922,8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tường Anh, Thành viên HĐQT cho biết công ty dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho ba nhà đầu tư chiến lược. Với PHP, nhà đầu tư chiến lược không chỉ đơn thuần mua cổ phiếu mà còn phải đóng góp vào giá trị tương lại cho công ty. Hiện danh sách ba nhà đầu tư chiến lược này đang trình lên cấp trên. Giá bán cũng đang được PHP xây dựng nên chưa thể công bố được.
2 - 3 năm nữa sẽ di dời Cảng Hoàng Diệu
Trả lời câu hỏi của cổ đông về xu hướng phát triển Cảng Lạch Huyện, ông Phạm Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết đến năm 2025, Cảng Lạch Huyện sẽ có 6 bến và hiện tại đã có 2 bến đi vào hoạt động. Hai chủ đầu tư, trong đó có PHP đang đầu tư tiếp các bến cảng 3, 4, 5 và 6. Đến 2025 chủ đầu tư sẽ hoàn thành cả 4 bến này để đưa vào hoạt động.
Ông Minh nói thêm, Cảng Lạch Huyện là cảng cửa ngõ khu vực phía Bắc và được thiết kế cho tàu có trọng tải lớn. Hiện nay khu vực Hải Phòng đang có cảng hiện hữu là Sông Cấm và Bạch Đằng, nhưng chỉ đáp ứng tàu 50.000 tấn. Còn Lạch Huyện có thể đón được tàu trọng tải lớn 1.000 DWT – 160.000 DWT ra vào lấy hàng.
Trong thời gian qua, hàng hóa thông qua cảng PHP có suy giảm nhất định nhưng người đứng đầu PHP nhận định điều này chỉ mang tính ngắn hạn. Hiện tại, do quy hoạch thành phố nên tương lai các cảng sẽ thu hẹp trong sông Cấm và từng bước sẽ di dời ra phía biển. Ban lãnh đạo xác định việc đầu tư các bến cảng hiện tại là lâu dài, không phụ thuộc vào tình hình thị trường.
Về Đề án di dời bến Cảng Hoàng Diệu, Cảng Hải Phòng cho biết sẽ báo cáo và làm việc với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp để thực hiện các kiến nghị của công ty. Dự kiến 2 - 3 năm nữa sẽ di dời Cảng Hoàng Diệu.
Về phương án Cải tạo, nâng cấp Cảng Chùa Vẽ, công ty sẽ triển khai đồng bộ phương án cải tạo, nâng cấp tổng thể Chi nhánh Cảng Chùa Vẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh và một phần thay thế cho khu vực Cảng Hoàng Diệu khi thực hiện di dời.