Cần có chiến lược 'sống chung với dịch' khi chưa có vắc xin COVID-19
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 28/8, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII đã có phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban, cho ý kiến, phân tích đánh giá tình hình, những vấn đề mới đặt ra ở các lĩnh vực để tiếp tục cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện các dự thảo văn kiện phù hợp với tình hình mới.
Tiểu ban đã có 6 phiên họp toàn thể nhằm xây dựng văn kiện kinh tế - xã hội mà Tiểu ban chủ trì là các dự thảo báo cáo Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025.
Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, Tiểu ban tập trung xin ý kiến các thành viên Tiểu ban đối với 2 nội dung là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo, đặc biệt là trước tác động rất nặng nề của COVID-19 và các công việc cần tiếp tục triển khai của Tiểu ban trong thời gian tới.
Thủ tướng cho biết hiện nay, trên thế giới chưa có vắc xin chính thức, do đó phải có chiến lược, định hướng đúng đắn, phù hợp với trước mắt và lâu dài trong tình trạng bình thường mới, "sống chung với dịch bệnh".
Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến, "chúng ta cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì trong đánh giá tình hình, kết quả, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân trước xuất hiện của COVID-19".
Trong đó, cần làm rõ những khó khăn, thách thức, giải pháp phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, từ đó rút ra kinh nghiệm, bài học.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Tiểu ban cho ý kiến về nhận định bối cảnh quốc tế trong giai đoạn 2016 - 2020 và thời gian tới khi đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và các vấn đề mới phát sinh, trong đó lưu ý đến các thách thức, cơ hội mới, đổi mới tư duy phát triển, niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc.
Nội dung nữa cần cho ý kiến là cần rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu sao cho phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, đặc biệt là những chỉ tiêu bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh như tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người.
"Các đồng chí cho ý kiến thêm về xem xét bối cảnh hiện nay để cân nhắc kĩ hơn về nội hàm các đột phá chiến lược trong tình hình mới, đặc biệt là vai trò của khoa học công nghệ và nguồn nhân lực", Thủ tướng nói.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị góp ý cụ thể về các vấn đề trọng tâm cần thay đổi so với dự thảo trước đây do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong đó có vấn đề về qui hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, xã hội số và phát triển nguồn nhân lực.