|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các ông lớn công nghệ Trung Quốc đánh mất niềm tin với giới đầu tư toàn cầu

17:16 | 10/09/2022
Chia sẻ
Những gã khổng lồ như Alibaba, Tencent,... trong thời gian qua đã chứng kiến hàng loạt nhà đầu tư lớn của họ bán cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu trong công ty, qua đó cho thấy niềm tin của giới đầu tư đặt vào những doanh nghiệp này đang cạn dần khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, vốn đã tạo ra nguồn lợi nhuận dồi dào cho các nhà đầu tư toàn cầu trong những năm trước đây, đang mất dần sức hấp dẫn đối với nhiều người ủng hộ ban đầu của họ. Triển vọng mờ nhạt đối với lĩnh vực công nghệ của quốc gia này đã nhắc nhở các nhà đầu tư rằng họ nên chốt lợi nhuận của mình càng sớm càng tốt, trước khi các công ty này lao dốc, theo tạp chí Forbes.

Tencent là một trường hợp điển hình trong lĩnh vực trò chơi và truyền thông xã hội. Gã khổng lồ này đang được niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong.

Naspers, tập đoàn Internet Nam Phi đầu tư vào công ty này cách đây hơn 20 năm, mới đây đã thông báo rằng họ đã bán 1,1 triệu cổ phiếu Tencent, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 28%. Động thái này không chỉ cho thấy rằng họ rõ ràng đã từ bỏ cam kết trước đó là không bán bớt cổ phần của mình mà còn tiết lộ rằng nhiều giao dịch bán cổ phiếu Tencent khác đang chuẩn bị được thực hiện.

Chi nhánh đầu tư quốc tế có trụ sở tại Hà Lan của Naspers, được gọi là Prosus, cũng đã phát đi tín hiệu về ý định của mình bằng cách chuyển thêm 192 triệu cổ phiếu trị giá khoảng 7,6 tỷ USD vào Hong Kong Central Clearing and Settlement System (hệ thống thanh toán bù trừ của Hong Kong).

Mặc dù tập đoàn Nam Phi này cho biết họ bán cổ phần đang nắm giữ tại Tencent để có thêm tiền đầu tư cho chương trình mua lại cổ phiếu của chính công ty, nhưng các nhà phân tích cũng đã chỉ ra những ví dụ khác. Gần đây, gã khổng lồ SoftBank cũng đã cắt giảm lượng cổ phần của mình trong gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba hay Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett giảm quyền sở hữu nhà sản xuất xe điện BYD.

Tỷ phú Ma Huateng, người đứng đầu gã khổng lồ Tencent, đang chật vật giúp công ty tăng trưởng trở lại sau quý II lao dốc. (Ảnh: Forbes).

Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital có trụ sở tại Hong Kong cho biết: “Việc giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty công nghệ của những ông lớn trong lĩnh vực đầu tư toàn cầu phản ánh một sự thay đổi mang tính chu kỳ quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng vượt trội đã tạo ra nguồn lợi nhuận "siêu khủng” từ công nghệ khó có thể quay trở lại”.

Vào tháng 8, Tencent đã báo cáo sự sụt giảm doanh thu lần đầu tiên của công ty kể từ năm 2014. Liệu gã khổng lồ có trụ sở tại Thâm Quyến có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng hay không là một câu hỏi dường như rất khó để trả lời vào thời điểm hiện tại.

Hoạt động kinh doanh trò chơi chủ lực của công ty tiếp tục phải đối mặt với áp lực pháp lý tại quê nhà, trong khi đơn vị quảng cáo từng phát triển nhanh của Tencent tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sau các đợt phong tỏa liên tục.

Niềm tin với các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc đang cạn kiệt

Không chỉ Tencent, mà gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á Lazada và hiện chuẩn bị đầu tư vào châu Âu cũng đang gặp khó khi tìm kiếm cơ hội ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Ngày 8/9, công ty đã nâng quyền sở hữu của mình trong nhà sản xuất Assassin’s Creed Ubisoft lên 11% trong một thỏa thuận định giá sau này là 10 tỷ USD. Khoản đầu tư đó diễn ra chỉ một tuần sau khi Alibaba mua 16,25% cổ phần của FromSoftware, nhà phát triển Elden Ring với số tiền không được tiết lộ.

Tuy nhiên, cả Tencent và Alibaba vẫn chưa thuyết phục được các nhà đầu tư rằng họ có thể quay trở lại vị thế vốn có và giá cổ phiếu của mỗi công ty đã mất hơn 1/3 giá trị trong 12 tháng qua. Khi tâm lý tiêu cực vẫn bao trùm, nhà sản xuất xe điện BYD cũng phải đối mặt với những câu hỏi về việc liệu đà tăng trưởng của công ty có thể được duy trì hay không.

Được dẫn dắt bởi tỷ phú Wang Chuanfu, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm đạt kỳ vọng của chính họ, nhưng điều đó không ngăn được nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett giảm cổ phần của Berkshire Hathaway trong công ty này.

Kenny Ng, một chuyên gia phân tích làm việc tại Everbright Securities cho biết một phần lý do có thể là, với tỷ lệ P/E (chỉ số phản ánh mối quan hệ giữa thị giá cổ phiếu với lợi nhuận sau thuế trong một năm của công ty) hiện tại hơn 100 lần, định giá của công ty có vẻ cao hơn những gì công ty có thể tạo ra.

Hơn nữa, các chính sách ưu đãi của chính phủ, chẳng hạn như miễn thuế cho việc mua xe điện, có thể ít tác động hơn trong tương lai khi sự quan tâm của người tiêu dùng dần cạn kiệt.

Trong bối cảnh như vậy, các nhà đầu tư tên tuổi sẽ hướng tới mục tiêu đạt được lợi nhuận của họ, các nhà phân tích cho biết. “Khi đối mặt với những bất ổn tương đối lớn, các nhà đầu tư, đặc biệt là những người đã đầu tư trong giai đoạn đầu, sẽ chuyển sang việc đảm bảo lợi nhuận”, chuyên gia Kenny Ng nói và cho biết thêm rằng nhưng Naspers, SoftBank và Berkshire Hathaway đều đã thu được lợi nhuận đáng kể khi đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc.

Anh Nguyễn