|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Huawei mất ngôi vị doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc sau 6 năm

11:22 | 09/09/2022
Chia sẻ
Do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ, chính phủ Trung Quốc siết chặt ngành internet, mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung cùng nhiều yếu tố khác, gã khổng lồ Huawei đã chính thức mất ngôi doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc vào tay JD.com

Các công ty tư nhân của Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho mảng R&D (nghiên cứu & phát triển) của họ vào năm ngoái, bất chấp tốc độ tăng trưởng chững lại trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà suy thoái cũng như những khó khăn về các vấn đề xung đột địa chính trị trên toàn cầu, theo bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp Tư nhân Trung Quốc mới nhất.

Mặc dù gã khổng lồ Huawei Technologies vẫn là doanh nghiệp tư nhân chi nhiều nhất cho mảng R&D tại Trung Quốc, với ngân sách lên tới 142,7 tỷ nhân dân tệ (20,5 tỷ USD), nhưng ông lớn này cũng đánh mất vị trí số một về doanh thu sau 6 năm giữ ngôi đầu, theo South China Morning Post.

Điều này xảy ra trong bối cảnh các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ cũng như việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ sau đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của Huawei.

Gã khổng lồ Huawei lần đầu tụt hạng sau 6 năm. (Ảnh: Daily Mail).

Gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com đã có lần đầu tiên đứng đầu danh sách với doanh thu lên tới 951,6 tỷ nhân dân tệ. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là chủ sở hữu của tờ South China Morning Post, gã khổng lồ internet Alibaba Group Holding và nhà sản xuất dệt may Hengli Group.

“Quy mô tổng thể của 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc đang tăng lên. Các khoản đóng góp thuế tăng lên một cách khiêm tốn và những doanh nghiệp này đang tăng cường đầu tư vào đổi mới và xây dựng thương hiệu”, Huang Rong, Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ACFIC), nhóm kinh doanh phi chính phủ đã công bố danh sách, cho biết.

Mặc dù Huawei đã tụt xuống vị trí thứ 5 do doanh thu sụt giảm, nhưng đây vẫn là công ty công nghệ tư nhân duy nhất đóng góp hơn 50 tỷ nhân dân tệ tiền thuế vào năm ngoái, cùng với các nhà phát triển bất động sản là Vanke và Country Garden.

Bất chấp việc chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định trong suốt một năm qua đã tạo thành rào cản ngăn chặn đà tăng trưởng và làm sụt giảm lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn là một trong những nhà đổi mới lớn nhất của đất nước.

Xếp sau Huawei, các nhà đầu tư lớn khác trong nhóm doanh nghiệp tư nhân chi mạnh cho mảng R&D trong năm ngoái bao gồm Alibaba cùng gã khổng lồ truyền thông xã hội và game Tencent Holdings, với khoản đầu tư lần lượt là 57,8 tỷ nhân dân tệ và 51,9 tỷ nhân dân tệ.

Mới nhất, cả hai gã khổng lồ này đều công bố mức tăng trưởng doanh thu đi ngang (Alibaba) và sụt giảm (Tencent) trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu những bước lùi của cả hai doanh nghiệp sau thời gian dài tăng trưởng “như vũ bão”.

Mức doanh thu sàn để các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc có thể lọt vào top 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong năm nay là 26,37 tỷ nhân dân tệ, tăng 11% so với năm ngoái. Tổng doanh thu của 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc năm nay tăng 9,13% so với cùng kỳ năm ngoái lên 38,32 nghìn tỷ nhân dân tệ, nhưng thu nhập ròng của nhóm này đã giảm 12% xuống còn 1,73 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Gần 1/5, hay cụ thể hơn là 88 trong số 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc có tổng tài sản hơn 100 tỷ nhân dân tệ trong năm nay, nhưng tổng giá trị tài sản của tất cả 500 doanh nghiệp đã giảm gần 18%, phản ánh đúng về nền kinh tế đang đi xuống của Trung Quốc.

Báo cáo cũng tiết lộ rằng các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự sụt giảm trong hoạt động huy động vốn trên thị trường vốn cùng sự sụt giảm đối với sự gia nhập của nhà đầu tư chiến lược, lần lượt là 33,85% và 37,5% vào năm ngoái, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về các vấn đề như chính sách zero-COVID của Bắc Kinh cũng như mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Huawei sẽ tập trung để tồn tại

Tháng trước, Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc thông báo lợi nhuận ròng của hãng trong nửa đầu năm nay đã giảm hơn 50% do kinh tế khó khăn khiến nhu cầu mua sắm sụt giảm cùng với những tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Huawei đã giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 301,6 tỷ NDT (44,73 tỷ USD). Theo tính toán của hãng tin Reuters, tỷ suất lợi nhuận của tập đoàn công nghệ này đã thu hẹp xuống còn 5%, với lợi nhuận ròng đạt 15,08 tỷ NDT, giảm so với mức 31,39 tỷ NDT trong nửa đầu năm 2021.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn của Huawei giải thích nền kinh tế kém khởi sắc, sự gián đoạn do dịch COVID-19 và những thách thức trong chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh trong mảng điện thoại thông minh và máy tính xách tay của công ty. Doanh thu từ mảng này đã giảm hơn 25% xuống còn 101,3 tỷ NDT, trong khi doanh thu trong các lĩnh vực như vận tải của Huawei đều tăng trưởng. Việc Huawei đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới và các doanh nghiệp cũng tác động đến lợi nhuận của tập đoàn.

Trong bối cảnh đó, CEO Huawei Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) đã nói rằng công ty phải tập trung để tồn tại ở thời điểm này và cần cắt giảm các ngành kinh doanh không thể tạo ra lợi nhuận khi nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào cuộc suy thoái trong thập kỷ tới, theo các báo cáo từ phương tiện truyền thông địa phương.

“Lợi nhuận và dòng tiền phải tăng lên ngay cả khi doanh số bán hàng đi xuống. Tôi khuyến khích mọi người chiến đấu vì lợi nhuận thay vì tăng trưởng doanh thu và mở rộng quy mô. Thời điểm hiện tại, có rất nhiều sự bất ổn đối với nền kinh tế vĩ mô. Do đó, mỗi bước đi của doanh nghiệp cần được tính toán kỹ hơn”, theo nhà sáng lập Tập đoàn Huawei.

Anh Nguyễn