|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Huawei cảnh báo năm 2022 là thử thách khó khăn nhất

11:51 | 13/08/2022
Chia sẻ
Từ là một trong những nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và thuộc top ba nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu, Huawei giờ đang chật vật với những mảng đầu tư mới, dù chưa đem lại kết quả.

Hôm 12/8, Tập đoàn Huawei Technologies đã đưa ra cảnh báo về những thách thức mà mảng kinh doanh thiết bị điện tử như smartphone, laptop,... đang phải đối mặt, theo Nikkei Asia.

Ông lớn công nghệ này cho rằng công ty đang ở trong thời kỳ "thử thách" nhất từ ​​trước đến nay. Cảnh báo của Huawei Technologies đến trong bối cảnh công ty đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh cấm vận đến từ Mỹ cũng như những bất ổn của nền kinh tế.

Trong nửa đầu năm 2022, Huawel Technologies ghi nhận doanh thu giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 301,6 tỷ nhân dân tệ (44,8 tỷ USD). Tỷ suất lợi nhuận ròng giảm xuống 5% từ mức 9,8% cách đây một năm.

"Năm 2022 có lẽ sẽ là năm thử thách nhất trong lịch sử, đối với hoạt động kinh doanh thiết bị của chúng tôi", công ty cho biết và giải thích rằng phân khúc này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.

 Huawei cảnh báo năm 2022 là thử thách khó khăn nhất. (Ảnh: Getty Images).

"Do hoạt động kinh doanh smartphone của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề, nên đối với mảng kinh doanh thiết bị, chúng tôi đã quyết định tập trung phát triển các sản phẩm theo 5 bối cảnh chính của người dùng: văn phòng thông minh, thể dục và sức khỏe, nhà thông minh, du lịch dễ dàng và giải trí."

Huawei từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới nhưng sau khi bị Mỹ xếp vào danh sách đen, tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã gặp muôn vàn khó khăn. Do lệch cấm vận của Mỹ, Huwei bị cắt nguồn cung cấp chip và thậm chí, không thể làm việc với những nhà sản xuất chip hàng đầu trong ngành như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và Samsung Electronics.

Công ty Trung Quốc này đã cố gắng xây dựng khả năng sản xuất chip của riêng mình. Tuy nhiên, chia sẻ với Nikkei Asia, đại diện Huawei thừa nhận chặng đường này còn lâu mới thấy đích.

"Trước đây, bán dẫn là một ngành công nghiệp toàn cầu hóa và mỗi người chơi đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra chip. Song, việc làm lại thứ người ta đã làm không có nhiều ý nghĩa cũng như giá trị thương mại", một phát ngôn viên của công ty cho biết.

"Tuy nhiên, với tình hình hiện nay khi mà việc tiếp cận với một số công nghệ nhất định bị chặn lại, các khoản đầu tư này lại trở nên hợp lý. Công ty sẽ tiếp tục đổi mới cùng với các đối tác của mình để tiến tới "mục tiêu phát triển chung cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc", vị này cho biết thêm.

Huawei không nói rõ họ đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực nào. Song, trước đó, ông lớn công nghệ này đổ tiền vào tất cả các loại công nghệ liên quan đến chip bao gồm vật liệu, công cụ chính xác và phần mềm thiết kế chip.

Người phát ngôn cho biết tỷ suất lợi nhuận ròng giảm trong nửa đầu năm nay là do quy mô kinh doanh bị thu hẹp và tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực kinh doanh mới, công nghệ phần mềm và nỗ lực đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoán. Huawei cũng đang tiếp tục tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Doanh thu từ mảng kinh doanh viễn thông, đóng góp 47% tổng doanh thu của Huawei và nhóm kinh doanh thiết bị, kể cả smartphone đều giảm so với cùng thời điểm một năm trước. Doanh số kinh doanh của doanh nghiệp tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, Huawei đánh giá mảng kinh doanh thiết bị viễn thông liên quan đến 5G đã cho thấy sự tăng trưởng ổn định ở cả thị trường Trung Quốc hay thị trường nước ngoài.

Ông lớn công nghệ này đã có được hơn 5.000 hợp đồng 5G thương mại tại thị trường Trung Quốc, Hungary, Thái Lan, Nam Phi, Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, để giúp các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng 5G. Công nghệ 5G của Huawei đã được sử dụng trong các ngành công nghiệp cảng, mỏ, sản xuất, dầu khí. 

Hoạt động kinh doanh dịch vụ điện toán đám mây của công ty đã duy trì mức tăng trưởng tốt, chủ yếu đến từ thị trường nội địa rộng lớn. Khoảng 80% trong số 50 công ty internet hàng đầu của Trung Quốc là khách hàng dịch vụ đám mây của Huawei. Ngoài ra, công ty có 220 khách hàng trong ngành tài chính, 30 khách hàng ở lĩnh vực ô tô và hơn 40 khách hàng internet công nghiệp. Hơn 23.000 nhà sản xuất sử dụng dịch vụ này.

Huawei cũng đang mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh ô tô, mặc dù hãng vẫn chưa thu được lợi nhuận từ hoạt động đầu tư này. Công ty sẽ tập trung vào việc cung cấp các thành phần chính và phần mềm ô tô, và đội ngũ điện tử tiêu dùng của Huawei sẽ giúp khách hàng thiết kế ngoại thất và nội thất của ô tô.

Huawei dự kiến ​​sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ liên quan đến ô tô, tăng hơn 50% so với năm ngoái. Công ty đã dành khoảng 7.000 thành viên trong lực lượng lao động R&D của mình để xây dựng công nghệ xe hơi, bao gồm cơ sở hạ tầng điện tử, buồng lái thông minh và công nghệ hỗ trợ lái xe thông minh. 

Doanh Chính

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.