Các khoản đầu tư trực tiếp đem về hơn 460 tỉ đồng lợi nhuận cho SCIC trong nửa đầu năm
Nửa đầu năm 2019, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đạt doanh thu thuần 3.050 tỉ đồng và lợi nhuận gộp lên tới 3.011 tỉ đồng, tương đương tỷ suất gần 99%.
Trong đó cơ cấu bao gồm, doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia 1.855 tỉ đồng, tăng 61%; doanh thu lãi tiền gửi và đầu tư trái phiếu tín phiếu 987 tỉ đồng, tăng 35%; tuy nhiên doanh thu từ bán các khoản đầu tư lại giảm một nửa còn 204 tỉ đồng. Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, SCIC không có thương vụ bán vốn nào đáng chú ý.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 10 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do tăng khoản chi phí cho nhân viên quản lý. Cộng thêm phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết lên tới 462 tỉ đồng, gấp hơn 10 lần so với nửa đầu năm 2018; lãi ròng của SCIC đem về 3.137 tỉ đồng, tăng gần 62%.
Cơ cấu tài sản của SCIC chủ yếu được cấu thành từ các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 31.600 tỉ đồng. Trong đó gần 26.200 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng, 5.340 tỉ đồng cổ phiếu, 500 tỉ đồng trái phiếu, phần còn lại và vốn góp tại các công ty TNHH và các khoản đầu tư khác…
Giá trị các khoản đầu tư dài hạn tăng 6.650 tỉ đồng so với đầu năm, đạt mức 23.432 tỉ đồng do tăng giá trị đầu tư ở các công ty con và công ty liên kết, liên doanh. Phần tăng này đến từ việc SCIC đã tiếp nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước từ các đơn vị khác.
Các khoản đầu tư bằng tiền của SCIC chỉ giá trị hơn 425 tỉ đồng, tại 7 doanh nghiệp, và đều có tỷ lệ sở hữu dưới 50%. Nửa đầu năm, tổng doanh thu tại các doanh nghiệp này đạt 3.184 tỉ đồng, lãi thuần 1.552 tỉ đồng. Sự hiệu quả của các công ty liên doanh, liên kết đóng góp khoảng 14% tính trên lợi nhuận trước thuế của SCIC.
Các khoản đầu tư trực tiếp bằng tiền của SCIC
Tại thời điểm kết thúc quí II, nợ phải trả của SCIC chủ yếu là thuế và các khoản phải nộp Nhà nước giá trị gần 1.700 tỉ đồng. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm, SCIC chi hơn 2.540 tỉ đồng tiền nộp Ngân sách Nhà nước, con số này gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm nay, SCIC dự kiến thoái vốn tại 108 doanh nghiệp, trong đó có những cái tên đáng chú ý như CTCP Bảo Minh (Nhà nước sở hữu 51%), CTCP Hạ tầng Bất động sản Việt Nam (Nhà nước sở hữu 48%), CTCP FPT (NN sở hữu 6%), Tổng công ty CP Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (NN sở hữu 36%), Tổng công ty Licogi (NN sở hữu 41%), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (NN sở hữu 11%), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (NN sở hữu 9%), CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (NN sở hữu 50%)…
Năm 2019, SCIC đặt kế hoạch tổng doanh thu 6.499 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.510 tỉ đồng; kế hoạch đầu tư 3.000 tỉ đồng.