|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SCIC thoái vốn Sa Giang, giá bán có bị 'thổi phồng'?

10:25 | 25/06/2019
Chia sẻ
Giá khởi điểm đấu giá cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (Mã: SGC) lên tới 111.700 đồng/cp, định giá công ty gần 800 tỉ đồng.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa ra thông báo đấu giá hơn 3,56 triệu cổ phiếu CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (Mã: SGC), tương đương 50% vốn điều lệ.

Giá khởi điểm đấu giá là 111.700 đồng/cp, tương giá trị nếu bán thành công toàn bộ khoảng  398 tỉ đồng và định giá Sa Giang lên tới gần 800 tỉ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến chiều ngày 15/7.

950799412574

Bánh phồng tôm hiệu Sa Giang

Sa Giang là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hình thành từ những năm 1960, công ty nổi tiếng nhất với sản phẩm bánh phồng tôm và các loại mì, miến, bánh đa xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Hai năm trở lại đây, doanh thu mỗi năm của Sa Giang đạt khoảng 290 tỉ đồng, lãi ròng từ 20 – 30 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm 31/3/2019, giá trị tài sản của Sa Giang ở mức 174 tỉ đồng, trong đó tài sản cố định 61 tỉ đồng, hàng tồn kho 31 tỉ đồng và giá trị các khoản phải thu gần 60 tỉ đồng. Trong khi đó, giá trị các khoản nợ phải trả 77 tỉ đồng, riêng nợ vay ngắn hạn 40 tỉ đồng.

Tuy nhiên việc đấu giá cổ phần Sa Giang của SCIC được dự báo sẽ không dễ dàng bởi mức định giá quá cao, đây cũng chính là vấn đề khiến đội ngũ lãnh đạo của SCIC tỏ ra băn khoăn.

Theo Nghị định 32 về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mức giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn được xác định bởi tổ chức định giá nhưng không được thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin thực hiện bán. Điều này lý giải vì sao giá bán khởi điểm của Sa Giang hơn trăm ngàn một đơn vị.

sgc 1

Diễn biến giá cổ phiếu SGC một năm (Nguồn: VNDirect)

Điều đáng chú ý là trong vòng 6 tháng gần đây, cổ phiếu SGC của Sa Giang tăng "đột biến" 85% lên gần 120.000 đồng/đơn vị, với thanh khoản "nhỏ giọt" chỉ vài trăm cổ phiếu. Và với thanh khoản thấp thì giá bán cổ phiếu trên thị trường sẽ không đủ để phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp. 

sgc

Cơ cấu cổ đông XNK Sa Giang tại thời điểm 31/12/2018 (BM tổng hợp)

Trong khi đó, cơ cấu sở hữu của Sa Giang tại thời điểm 31/12/2018 không phải là quá cô đặc với việc Nhà nước là cổ đông lớn nhất nắm gần 50%, cổ đông số hai Trần Thị Thanh Thủy nắm 21%, các cổ đông khác gồm Phạm Thanh Hoa nắm 4,9%, Phạm Hồng Thịnh và Phạm Thanh Tùng nắm 3,3% còn lại là các cổ đông khác.

Bạch Mộc